Vì sao hàng loạt dự án đất nền Hà Nội vẫn “găm hàng“?


Dù đã đủ điều kiện mở bán, nhưng chủ đầu tư Dự án Nam An Khánh vẫn chưa chính thức tung sản phẩm ra thị trường

Nguồn cung lớn

Tại Hà Nội, nguồn cung đất nền dự án hiện nay khá lớn, thậm chí, đã có những lo ngại về bội cung nếu các chủ đầu tư có dự án đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng đồng loạt triển khai hoạt động bán hàng. Thế nhưng, rất nhiều dự án đã được chủ đầu tư triển khai hạ tầng trong năm 2014 và đầu năm 2015, đã được doanh nghiệp giới thiệu ra thị trường, nhưng việc mở bán vẫn “án binh bất động’.

Cụ thể, tại Dự án Nam đường 32 - Wespoint (huyện Hoài Đức) do CTCP Đầu tư Lũng Lô 5 làm chủ đầu tư. Dự án này đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng, doanh nghiệp đã giới thiệu dự án ra ngoài thị trường từ trước Tết Nguyên đán, nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa chính thức mở bán và cũng chưa công bố mức giá bán dự kiến.

Tại Dự án Khu đô thị Duyên Thái (huyện Thường Tín) của chủ đầu tư HacomLand, mặc dù đã được đơn vị phân phối giới thiệu ra thị trường từ vài tháng nay, nhiều khách hàng đã mua bán sản phẩm, nhưng thời điểm mở bán chính thức đến nay vẫn chưa được công bố.

Trong khi đó, tại Dự án Nam An Khánh, trong năm 2014, chủ đầu tư cho biết, đã rót hàng trăm tỷ đồng triển khai hạ tầng. Đến nay, nhiều lô đất đã đủ điều kiện bán hàng, nhưng doanh nghiệp dường như không màng chuyện mở bán.

Tại quận Hà Đông, 2 dự án lớn là Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 Land và Khu đô thị mới Phú Lương thời gian qua cũng được chủ đầu tư đẩy mạnh triển khai hạ tầng, nhưng chuyện mở bán chính thức và giá bán cũng chưa được công bố.

“Găm hàng” làm giá?

Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, dù không chính thức mở bán, nhưng việc bán hàng vẫn được chủ đầu tư phối hợp với đơn vị phân phối âm thầm thực hiện ở nhiều dự án.

Cụ thể, tại Dự án Nam An Khánh, mặc dù không chính thức mở bán, nhưng nếu khách có nhu cầu, chủ đầu tư vẫn bán đất nền cho khách hàng. Hoặc tại Dự án Duyên Thái, sau khi đơn vị phân phối là Nhà Đất 24h giới thiệu ra thị trường, đơn vị này cũng tiến hành bán sản phẩm, dù không quảng bá, truyền thông mở bán.

Trong khi một số dự án vẫn được chủ đầu tư âm thầm bán sản phẩm, thì tại một số dự án khác, chủ đầu tư dường như muốn “găm hàng”, không mở bán, công bố giá bán sau khi đã truyền thông thăm dò thị trường.

Chẳng hạn, tại Dự án Nam đường 32, tại buổi giới thiệu dự án trước Tết, dù được hàng trăm khách hàng quan tâm, nhưng đến nay, chủ đầu tư cũng chưa mở bán và chưa công bố giá bán chính thức.

Tại Dự án Khu đô thị Phú Lương (quận Hà Đông), mặc dù phần lớn dự án đã cơ bản đủ điều kiện bán hàng, nhiều đơn vị môi giới cũng đưa sản phẩm ra thị trường thăm dò cả giá bán, lẫn nhu cầu, nhưng việc mở bán chính thức và công bố giá bán cụ thể vẫn chưa được công bố.

Lý giải hiện tượng doanh nghiệp vẫn âm thầm bán hàng, dù không mở bán chính thức, đại diện một đơn vị phân phối lớn tại Hà Nội cho biết, đó là vì doanh nghiệp muốn tiết giảm chi phí truyền thông bán hàng trong bối cảnh phân khúc đất nền vẫn khó khăn.

Việc bán hàng khi không công bố thông tin rộng rãi cũng khiến thị trường không có cảm giác về nguồn cung quá lớn, giúp một số dự án có vị trí và tiến độ tốt bán hàng dễ dàng hơn. Trong khi đó, theo vị này, với các dự án đã giới thiệu, quảng bá ra thị trường, nhưng chủ đầu tư chưa chịu bán hàng và công bố giá chính là một hình thức “găm hàng”.

Lý do chính là do đa số các dự án dạng này đều là các dự án có thể tạo nên sự đột biến về giá bán. Vì thế, việc giới thiệu sản phẩm để thăm dò thị trường, hoặc đưa một số sản phẩm ra thị trường một cách không chính thống, nếu được thị trường quan tâm, chủ đầu tư sẽ có lý do điều chỉnh giá bán lên cao hơn khi mở bán một cách công khai.


Theo Đầu tư Bất động sản

Bài viết mới nhất