TS Alan Phan: “Liều thuốc duy nhất cho BĐS là để thị trường rơi tự do“
- 13/02/2014
- Tin tức thời sự
TS có đánh giá gì về các chính sách kinh tế Việt Nam trong năm 2013?
Từ trước đến nay tôi luôn cho rằng, Chính phủ chỉ là cơ quan giám sát và thi hành Luật chứ không phải là đơn vị tham gia trực tiếp vào hoạt động, sự vận hành của nền kinh tế. Điều này đã được chứng minh qua bao nhiêu thời đại, nhất là gần đây, không có một nền kinh tế nào phát triển nếu có sự tham gia trực tiếp từ Chính phủ.
Hiện nay còn có một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên là có sự tham gia điều hành của Chính phủ vào nền kinh tế và có thể nói rằng đã có sự giảm sút đáng kể nội tại. Vì thế nên tôi cho rằng, Chính phủ càng can thiệp sâu vào nền kinh tế thì càng không hữu hiệu.
Có một điều may mắn rằng, trong năm 2013 sự can thiệp của Chính phủ Việt Nam không quá mạnh mẽ nên nền kinh tế tương đối ổn định, nhất là lĩnh vực FDI đang là một điểm sáng, còn các lĩnh vực khác đang trên đà suy thoái cho nên năm 2013 có thể coi là một năm đi ngang của kinh tế Việt Nam.
Theo TS, kinh tế Việt Nam trong năm 2014 liệu có dấu hiệu khởi sắc?
Theo tôi, kinh tế Việt Nam 2014 cũng như năm 2013, tức là Chính phủ sẽ can thiệp để thúc đẩy nền kinh tế, song bù lại, Chính phủ cũng sẽ thiếu nguồn lực và tài lực, cho nên nền kinh tế sẽ tiếp tục đi ngang. Điểm sáng duy nhất như tôi đã nói, sẽ tiếp tục là FDI.
Nhiều chuyên gia cho rằng kêu gọi đầu tư FDI là con dao hai lưỡi, vì nó có thể giết chết doanh nghiệp Việt, thống lĩnh nền kinh tế bất cứ lúc nào. Quan điểm của TS về vấn đề này?
Bất cứ đồng tiền đầu tư nào mà mình muốn đem lại thì đều bị trả giá hết, chứ không có gì là miễn phí cả. Trong năm 2014, những dòng tiền từ FDI sẽ khiến Việt Nam sẽ phải trả giá cao nhất, bởi dòng tiền mới nổi sẽ tiếp tục thấp xuống do sự thiếu phát triển của Trung Quốc, của Braxin, của khủng hoảng Nga, Thái Lan... Khi những đồng tiền đó đi xuống thì Việt Nam sẽ phải tăng động lực, tăng thu hút FDI.
Một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay là thị trường BĐS. TS có đánh giá gì về các chính sách thúc đẩy thị trường BĐS trong năm 2013?
Các chính sách thúc đẩy thị trường BĐS năm 2013 không có chính sách nào hữu hiệu. Vấn đề ở đây là giá BĐS không phù hợp với túi tiền của người dân. Đây là vấn đề không ai giải quyết và không giải quyết thì sẽ không có gì thay đổi.
Theo TS, thị trường BĐS trong năm 2014 sẽ tiếp tục đổ vỡ hay sẽ có cơ hội phục hồi?
Điều này tùy thuộc vào sức chịu đựng của Nhà nước. Và sự chịu đựng của Nhà nước cũng tùy thuộc vào nhu cầu của các Ngân hàng. Là vì hiện nay Nhà nước quyết tâm không để cho Ngân hàng nào chết, và khi đã nhất quyết như vậy thì phải có cái gì đó để nâng đỡ các Ngân hàng. Nếu Nhà nước nâng đỡ được thì mọi chuyện vẫn thế, vẫn ở yên một chỗ. Còn nếu như Nhà nước không nâng đỡ được thì một trong hai mắt xích của Ngân hàng sẽ lung lay. Khi Ngân hàng lung lay thì sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản, và khi đó giá BĐS mới có cơ hội đi xuống, vì họ phải bán tháo, bán lỗ đi để cứu mình.
Năm 2013, TS từng phát biểu rằng nên để thị trường BĐS rơi tự do. Một năm đã trôi qua, vậy ý kiến của TS có thay đổi?
Tôi vẫn cho rằng liều thuốc duy nhất để cứu BĐS là nên để nó rơi tự do. Còn nếu muốn nó vẫn cứ làng nhàng như bây giờ thì cứ để như vậy, cứu nửa chừng. Tôi không phải là người làm chính sách, tôi chỉ nhận định như vậy. Nếu Chính phủ muốn làm thì làm, còn nếu không muốn cứu thì không làm sao hết. Tôi không sao và chắc người dân cũng không sao.
Xin cảm ơn TS!
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...