TP HCM phát triển tập trung - đa cực


Hội nghị công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn 2025 gắn với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đã được tổ chức sáng 14-4 tại TP HCM.

Trung tâm tổng hợp và 4 trung tâm cấp TP

Xác định quy hoạch phát triển KT-XH là quy hoạch “xương sống”, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP HCM, yêu cầu các sở - ngành và các cấp chính quyền phải bắt tay triển khai công việc cụ thể theo đúng nội dung mà Thủ tướng đã phê duyệt.


TP HCM sẽ phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp quy mô 930 ha đặt tại khu trung tâm hiện hữu Ảnh: Tấn Thạnh

Theo quy hoạch, mô hình phát triển của TP HCM là tập trung - đa cực, trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển. Cụ thể, phát triển TP HCM theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp quy mô 930 ha đặt tại khu trung tâm hiện hữu - gồm 2 quận 1, 3 và một phần 2 quận 4, Bình Thạnh - cùng khu đô thị mới Thủ Thiêm 737 ha; 4 trung tâm cấp TP tại 4 hướng phát triển.

Trong 4 trung tâm cấp TP, 2 hướng chính phát triển TP HCM là Đông và Nam hướng ra biển. Hướng chính phía Đông là hành lang phát triển tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và dọc tuyến xa lộ Hà Nội, phát triển các khu đô thị mới. Hướng chính phía Nam: Hành lang phát triển là đường Nguyễn Hữu Thọ, phát huy thế mạnh đặc thù sông nước với mật độ xây dựng thấp, không làm giảm diện tích mặt nước phục vụ tiêu thoát nước của TP HCM.

Quy hoạch cũng phân định các phân khu chức năng, hệ thống các trung tâm và hệ thống trung tâm chuyên ngành. Trong đó, hệ thống các trung tâm chuyên ngành gồm trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học (ngoài ĐHQG TP HCM, bố trí thêm các khu vực thuộc hướng Đông, Nam, Tây, Bắc); hệ thống bệnh viện (xây dựng tại các cửa ngõ ra vào TP) và trung tâm y tế; trung tâm văn hóa, thể thao (Khu Lịch sử - Văn hóa - Dân tộc tại quận 9, Thảo Cầm Viên, Trung tâm TDTT Rạch Chiếc ở quận 2)…

Cần hơn 9 triệu tỉ đồng

Ngoài các giải pháp như phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, quy hoạch của Chính phủ đòi hỏi chính quyền TP HCM phải cần một nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP, nhu cầu vốn đầu tư xã hội mà quy hoạch đặt ra khoảng 8 triệu tỉ đồng cho giai đoạn 2016-2020 và 2020-2025. Trong đó, giai đoạn 2016-2020 ước cần 2,7 -3 triệu tỉ đồng (vốn ngân sách chiếm 10%), 2021-2025 khoảng 5-5,6 triệu tỉ đồng (vốn ngân sách chiếm 8%). Riêng giai đoạn 2011-2015, nhu cầu vốn đầu tư xã hội là 1,3-1,4 triệu tỉ đồng (vốn ngân sách chiếm 12%).

Để giải bài toán về nguồn vốn đầu tư, UBND TP HCM cho biết sẽ huy động các nguồn trong và ngoài nước. Trong đó, vốn từ thành phần kinh tế nhà nước chiếm 25%-30%, còn lại là thành phần kinh tế ngoài nhà nước và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh đó, TP HCM sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các hình thức đầu tư như BOT, BT, PPP…

Ông Lê Hoàng Quân yêu cầu các đơn vị khi triển khai quy hoạch phải trên nguyên tắc không gây bất lợi cho quá trình phát triển KT-XH chung của TP HCM. Nêu chuyện tuyến đường Trường Chinh ở Hà Nội bị bẻ cong mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh: “Quy hoạch phải mang tính quốc kế dân sinh, phải tuân thủ quy định chứ không vì lợi ích nhóm hay động cơ cá nhân nào cả. Càng không thể xảy ra tình trạng quy hoạch theo kiểu quận anh có gì, quận tôi có đó”.

Theo ông Lê Hoàng Quân, bản thân TP HCM không thể thực hiện quy hoạch vùng một cách thống nhất mà cần tăng cường sự đầu tư liên ngành, liên vùng, kể cả tăng cường sự hỗ trợ của trung ương và hợp tác quốc tế.

Năm 2020, TP HCM không còn hộ nghèo

Theo quy hoạch TP HCM được Thủ tướng phê duyệt, GDP giai đoạn 2016-2020 đạt 9,5%-10%/năm và 2020-2025 đạt 8,5%-9%/năm, GDP bình quân đầu người đến năm 2015: 4.856-4.967 USD, năm 2020: 8.430-8.822 USD và đến năm 2025 đạt 13.340-14.285 USD.

Quy mô dân số TP HCM đến năm 2015 đạt 8,2 triệu người, năm 2020 khoảng 9,2 triệu người và đến 2025 đạt 10 triệu người. Đến năm 2016, TP HCM nâng mức chuẩn nghèo lên trên 16 triệu đồng/người/năm (số hộ nghèo khoảng 7%-8% tổng số hộ dân). Năm 2020, TP HCM không còn hộ nghèo theo chuẩn này.


Theo Người lao động

Bài viết mới nhất