TP. HCM, nhiều doanh nghiệp “mù tịt” hướng dẫn cấp phép xây dựng mới
- 16/10/2014
- Tin tức thời sự
Quyết định hướng dẫn cấp phép xây dựng của UBND TP. HCM gây hiểu nhầm cho nhiều doanh nghiệp - Ảnh: Lê Toàn
|
Đem câu hỏi, TP. HCM đã có hướng dẫn cụ thể về thực hiện Nghị quyết 43 hay chưa hỏi các doanh nghiệp, Đầu tư Bất động sản nhận được những câu trả lời khác nhau. Nhiều doanh nghiệp bảo có rồi, nhưng cũng không ít doanh nghiệp bảo chưa. Vì sao một văn bản được coi như “phao cứu sinh” như vậy mà doanh nghiệp lại không “tỏ tường”?
Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, UBND TP. HCM đã ban hành Quyết định số 27/2014/QĐ-UBND ngày 4/8/2014, quy định chi tiết một số nội dung về cấp phép xây dựng trên địa bàn. Quy định này viện dẫn tới 12 “căn cứ”, từ Luật Tổ chức HĐND, Luật Xây dựng (2003), đến các nghị định, nghị quyết, thông tư, các tờ trình… Có thể do viện dẫn quá nhiều căn cứ, nên nhiều doanh nghiệp không biết đây là văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện Nghị quyết 43.
Trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM xác nhận, Quyết định 27 trên của UBND TP. HCM chính văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 43. Theo ông Châu, vấn đề gây hiểu nhầm nhiều nhất của văn bản này là quy định “…; nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì không cần phải có giấy phép xây dựng”.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, với cách nối câu như vậy, chẳng có gì thay đổi, vì trên thực tế, các dự án phát triển nhà ở dạng chung cư tại TP. HCM gần như (đến 99%) là trên 7 tầng.
Ông Châu cho rằng, có thể đây là quy định đối với nhà liền kề, nhà phố trong các dự án, còn về câu chữ thì có thể do lỗi “chấm phẩy” trong văn bản.
“Doanh nghiệp nếu thấy chưa hợp lý thì góp ý với UBND Thành phố, tôi tin là Thành phố đã rất cố gắng khi ra Quyết định 27. Hiệp hội sẽ tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp và đề xuất rõ hơn. Sắp tới, Hiệp hội cũng đề xuất thêm, với dự án đã duyệt tổng thể mặt bằng có tổng diện tích dưới 2 héc-ta thì cũng không phải xin giấy phép xây dựng”, ông Châu nói.
Khác với Hà Nội và TP. HCM, nhiều nội dung trong Nghị quyết 43 được các tỉnh “cụ thể hóa” từng chi tiết. Chẳng hạn, tại Văn bản số 7077/UBND-XD ngày 25/9/2014 của UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ: “không yêu cầu thực hiện việc cấp phép xây dựng đối với công trình dự án đã được cấp thẩm quyền cho phép đầu tư thuộc khu vực đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500”. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành văn bản thực hiện Nghị quyết 43, trong đó, nội dung về cấp phép xây dựng cũng tương tự tỉnh Nghệ An.
Ông Tạ Huy Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết: “Nghị quyết 43 đã tháo gỡ nhiều nút thắt trong thủ tục hành chính, với tư cách tham mưu cho UBND tỉnh trên lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, Sở cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 43 để doanh nghiệp thực sự muốn đầu tư có thể làm thủ tục nhanh nhất”.
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Hải Minh, Tổng giám đốc Công ty TECCO cho biết, Công ty triển khai dự án bất động sản ở nhiều địa phương trên cả nước như TP. HCM, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội… Rất có thể, do đặc thù của Hà Nội và TP. HCM là 2 đô thị lớn, tập trung nhiều dự án bất động sản, nên những vướng mắc sẽ phát sinh nhiều hơn. Đối với doanh nghiệp, nếu cứ đợi thủ tục “tròn trịa” thì không biết đến khi nào dự án mới thực hiện. TP. HCM cũng đã tạo điều kiện để các dự án bất động sản có khả năng thu hút thị trường triển khai, trong đó có các dự án căn hộ thương mại giá thấp và cơ hội để các doanh nghiệp triển khai các dự án thuộc phân khúc này là rất lớn.
Theo Đầu tư Bất động sản
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...