Thời của nhà giá rẻ đã đến gần?

Kể từ khi Bộ Xây dựng và NHNN ra thông tư chính thức triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ hỗ trợ cho thị trường bất động sản,  một tháng trở lại đây, người ta đã chứng kiến những chuyển mình của thị trường này. Mới đây nhất, ngày 28-5, một dự án nhà ở xã hội được chính thức khởi công tại khu tây nam Linh Đàm (Hà Nội) được kỳ vọng phân khúc nhà ở giá rẻ sẽ làm chủ thị trường!
Ảnh: Hoàng Long 
 
Hàng loạt dự án nhà ở xã hội vào cuộc
 
Dự án nhà ở xã hội tây nam Linh Đàm (Hà Nội) có tổng diện tích xây dựng ước khoảng 75.815 m2, dự kiến tổng mức đầu tư gần 710 tỷ đồng và sẽ hoàn thành trong năm 2015. Dự án hoàn thành sẽ cung cấp cho TP. Hà Nội hơn 1.000 căn hộ đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho nhiều đối tượng thu nhập thấp, như người có công với cách mạng, cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách, công nhân…
 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá: đây sẽ là "phát súng” đầu tiên cho chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, được kỳ vọng là sẽ góp phần cải thiện sự lệch pha cung cầu đang tồn tại trên thị trường BĐS hiện nay. Song điều quan trọng hơn cả, theo ông Dũng, tới đây nhiều người thu nhập dưới 9 triệu/ tháng sẽ có cơ hội được sở hữu nhà ở, và chính phân khúc nhà ở giá rẻ này sẽ là ngọn lửa làm ấm lại thị trường này.
 
Được biết, trong tháng 6 tới, sẽ có 6 dự án nhà ở xã hội được khởi công ở Hà Nội và một số tỉnh, thành, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về chỗ ở cho người thu nhập thấp. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm này, trên toàn quốc đã có 157 dự án nhà ở xã hội được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng. Trong đó, 55 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với quy mô 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư 10.900 tỷ đồng và 99 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô xây dựng khoảng 35.500 căn hộ với mức đầu tư 9.000 tỷ đồng.
 
Đặc biệt, với chủ trương chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng, hiện nay đã có 50 chủ đầu tư dự án đề xuất điều chỉnh quy mô căn hộ hoặc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với tổng số ước 31.000 căn. Tại Hà Nội, 6 dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ với quy mô 3.500 căn, 19 dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội với quy mô 10.000 căn. Đến nay, Hà Nội đã thống nhất chủ trương cho chuyển đổi 4 dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Tại TP. Hồ Chí Minh, 20 dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội với quy mô 10.000 căn hộ...
 
 
Sẽ có nhiều dự án nhà thương mại chuyển sang nhà xã hội. Ảnh Hoàng Long
 
Giấc mơ nhà ở giá rẻ đã rất gần?
 
Giải đáp những băn khoăn của người dân về việc, liệu các dự án nhà ở sắp triển khai tới đây có đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng hay không? Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Nói là nhà ở xã  hội nhưng đây không phải là loại hình nhà ở "cho không” mà vẫn do DN đầu tư, có sự hỗ trợ về vốn của Nhà nước và ưu đãi về thuế sử dụng đất, do đó các dự án nhà ở xã hội đều phải có tính cạnh tranh. Đơn giản vì, DN đầu tư xây dựng nếu có chất lượng tốt thì mới bán được nhà, nếu không, thua lỗ họ phải chịu vì tiền bỏ ra đầu tư là không nhỏ. "Và như vậy, các dự án nhà ở xã hội có chất lượng không thua gì nhà ở thương mại” – Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Cục trưởng Cục Quản lý Nhà ở và đô thị Nguyễn Mạnh Hà:
"Một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ sản xuất, đặc biệt là hỗ trợ cho người thu nhập thấp đó là việc cho phép chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của Nhà nước, để làm sao giá thành giảm xuống, diện tích căn hộ nhỏ đi đáp ứng nhu cầu cũng như khả năng thanh toán thực của thị trường”.

Nói về gói hỗ trợ 30.000 tỷ sẽ được triển khai vào ngày 1-6 tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, với mục tiêu 30% hỗ trợ các chủ đầu tư nhà ở xã hội, 70% dành cho đối tượng mua nhà có thu nhập thấp, đây sẽ là gói tín dụng được kỳ vọng gây dựng lại niềm tin cho thị trường BĐS. Và khi đã gây dựng lại được niềm tin thì thị trường này sẽ là động lực để hồi phục nhiều lĩnh vực kinh tế liên quan, góp phần vào sự hồi phục toàn nền kinh tế. Đặc biệt, theo ông Dũng, khi nền kinh tế đã được hồi phục, sẽ không chỉ có gói tín dụng 30.000 tỷ với lãi suất 6% mà thị trường sẽ được đón nhận nhiều gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp hơn nữa. Người thu nhập thấp sẽ có cơ hội tiếp cận các nguồn vay lãi suất thấp, cơ hội được sở hữu nhà càng cao hơn. "Như vậy có thể thấy, tác động của gói hỗ trợ 30.000 tỷ này không phải chỉ dừng lại đối với thị trường BĐS mà sẽ lan rộng sang lĩnh vực an sinh xã hội, vừa góp phần kích cầu nền kinh tế” – ông Dũng nhấn mạnh.

Nói như vậy, phải chăng dư luận hoàn toàn có thể kỳ vọng, rồi đây thị trường BĐS sẽ không còn tình trạng bong bóng giá với những căn hộ bạc tỷ mà chỉ người giàu mới có thể sở hữu… Thay vào đó, sẽ là một thị trường với phân khúc nhà ở giá rẻ được ưu tiên. Liệu có phải giấc mơ được sở hữu một căn hộ đang đến rất gần đối với những người thu nhập thấp?

Theo Duy Phương (Đại đoàn kết)

Bài viết mới nhất