Tạo cơ hội cho người nước ngoài mua nhà

Cơ hội xử lý nợ xấu bất động sản 

Nút thắt lớn nhất hiện nay khiến người nước ngoài không dám mua nhà tại Việt Nam là thủ tục quá nhiêu khê. Bên cạnh đó, người nước ngoài còn nhiều e ngại về pháp lý, về quyền sở hữu khi bỏ tiền ra để mua nhà. Nếu nút thắt này được mở, cơ hội để chúng ta “bán” nợ xấu cho khách hàng nước ngoài là rất cao. Bởi hiện nay rất nhiều dự án tồn kho, tài sản đang nằm trong ngân hàng, trong khi doanh nghiệp trong nước hết vốn không thể tiếp tục triển khai, Nhà nước cũng không có đủ tiền để chi cho công ty xử lý nợ xấu. Nếu có thêm nguồn vốn từ khách hàng, nhất là khách hàng nước ngoài sẽ giúp dự án triển khai trở lại, ngân hàng thu được tiền, giải quyết nợ xấu.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã có những điều kiện thông thoáng hơn, hình thức sở hữu nhà ở cũng đa dạng hơn trước khi các tổ chức, cá nhân nước ngoài được đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo pháp luật; mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ hoặc xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở được phép phân lô trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tạo cơ hội cho người nước ngoài mua nhà

Cho người nước ngoài mua nhà là cơ hội phục hồi thị trường bất động sản.

Trường hợp người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam. Đặc biệt, dự thảo luật đã bỏ quy định cá nhân nước ngoài phải có visa nhập cảnh vào Việt Nam từ 6 đến 12 tháng mới được mua nhà nhưng lại  thêm quy định "phải đang học tập, làm việc, sinh sống tại Việt Nam” mới được mua, sở hữu nhà... Theo các chuyên gia, quy định mang tính đột phá chính là người nước ngoài được phép nhập cảnh có quyền sở hữu nhà ở Việt Nam.

TS, chuyên gia kinh tế Lê Trí Hiếu cho rằng, nên mở rộng cửa để cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà tại Việt Nam, đây được xem là một giải pháp hiệu quả nhất để giải phóng lượng hàng bất động sản tồn kho, đặc biệt là phân khúc cao cấp. Không nên quá lo ngại việc người nước ngoài mua nhà sẽ dẫn tới việc thị trường bất động sản (BDDS) Việt Nam bị thâu tóm bởi các tập đoàn tài chính đa quốc gia. Bởi đất đai không phải là sản phẩm có thể mang từ nơi này sang nơi khác được. Thực tế, những năm đầu thập niên 80, khi bong bóng BĐS ở Mỹ bị vỡ, hàng loạt công ty tài chính của Nhật Bản đã vào mua, chính người Mỹ cũng lo lắng rằng Mỹ sẽ trở thành quốc đảo của Nhật Bản. Tuy nhiên, lo lắng đó đã không xảy ra, khi kinh tế hồi phục, người Nhật đã bán lại tài sản đất đai họ đã thu mua trước đó cho người Mỹ, đất của người Mỹ vẫn trên đất nước của họ.

Quản lý linh hoạt bằng chính sách hợp lý

Thực tế nhiều ý kiến còn lo ngại, việc mở rộng các điều kiện được mua nhà sẽ tạo làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt đầu tư vào Việt Nam, hình thành những khu phố nước ngoài tại nước ta hoặc có thể gây lũng đoạn thị trường... Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, điều này khó khả thi vì ngay trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định các cá nhân, tổ chức nước ngoài không được sở hữu quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư. Nếu là nhà ở riêng lẻ gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một đơn vị hành chính tương đương cấp phường chỉ được mua, thuê mua và sở hữu không quá 250 căn và thời gian sở hữu tối đa không quá 50 năm... Ðồng thời cũng chưa có quy định "mở" cho người nước ngoài kinh doanh BÐS tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Thịnh Corp, dự thảo luật chỉ nên quy định người nước ngoài có visa vào Việt Nam là được sở hữu bất động sản. Không nên quá khắt khe, bắt buộc họ phải có thời gian lưu trú, sống và làm việc tại Việt Nam. Nhà nước cần phải có quy định đột phá để thu hút vốn đầu tư. Nếu tình hình có diễn biến phức tạp thì sau đó Nhà nước có thể ban hành Nghị định để điều tiết lại cho phù hợp hơn.

Nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản cũng kiến nghị, nên chăng Nhà nước cho thời gian làm thí điểm. Không nên vừa làm, vừa giám sát sẽ gây mất niềm tin cho thị trường.

Tương tự, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Giám đốc công ty Bất động sản Thanh Yến cũng cho rằng, hiện nay thị trường BĐS tồn kho còn nhiều, lượng cung đang vượt quá nhu cầu của người dân nên việc cho người nước ngoài mua nhà để tăng cầu là một việc cần thiết. Trong bối cảnh thị trường tốt thì việc nhà nước có những quy định nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài thao túng thị trường BĐS là chủ trương đúng. Tuy nhiên, hiện nay do thị trường còn rất xấu nên không cần thiết phải siết mà nên có quy định cởi mở hơn về việc cho người nước ngoài mua nhà”.


Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng: Nên "mở" cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, ưu tiên khu vực nhà chung cư cao cấp, biệt thự liền kề nhưng phải hạn chế phân khúc nhà giá thấp dành cho đối tượng thu nhập thấp, đối tượng chính sách, nhất là cấm mua nhà tại các khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Luật chỉ nên đưa ra các tiêu chí để xét điều kiện sở hữu nhà, còn việc điều tiết sẽ có các chính sách về thuế, xử phạt vi phạm...

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển: Trong giai đoạn vừa qua, thông tin cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chủ yếu được thảo luận như một kiểu “ban ơn” với các điều kiện hạn hẹp. Điều này không khác gì với cơ chế xin cho đối với một lĩnh vực kinh tế bình thường. Nên điều quan trọng đầu tiên là phải thay đổi cách nhìn và nên xem xét ở góc độ thị trường, đây là một lĩnh vực cần thu hút vốn đầu tư nước ngoài mạnh hơn.

 

Lê Hiền (Báo Tin tức)

Bài viết mới nhất