Tách thửa đất: Địa phương vượt mặt thành phố
- 07/10/2016
- Tin tức thời sự
Nhiều địa phương hiện không tiếp nhận hồ sơ xin tách thửa cho dân. Ảnh: ĐÌNH SƠN
Nhận hồ sơ rồi... ngâm
Ông L.M.H ở xã Xuân Thới Sơn (H.Hóc Môn) có gần 8.000 m2 đất, đang có nhu cầu tách 4.200 m2 và đã nộp hồ sơ lên UBND H.Hóc Môn từ ngày 22.4.2016. Đến nay đã hơn 5 tháng, nhưng cũng không có phản hồi gì của huyện. Ba tháng trước, ông H. được tin là hồ sơ của ông đã được chuyển về UBND xã Xuân Thới Sơn để thẩm tra, xác minh. Ông vội lên xã hỏi thì được biết xã này đã xác minh xong và chuyển hồ sơ lên huyện để giải quyết.
“Tôi lên huyện hỏi thì cán bộ nói là đang trong quá trình bầu lãnh đạo huyện nên chưa có ai ký văn bản cả nên đành phải đợi. Tôi đã nhiều lần lên huyện hỏi nhưng cán bộ cho biết là hiện nay không giải quyết hồ sơ tách thửa, khi nào có thông tin thì sẽ báo lại”, ông H. bức xúc.
Tương tự, gia đình ông Mai Công Hồng cũng có mảnh đất 1.114 m2 tại ấp 4, xã Xuân Thới Sơn. Do tuổi già sức yếu, mẹ ông đang có ý định tách ra cho sáu người con, trong đó có ông Hồng. Ngày 6.6 vừa qua, ông đến UBND H.Hóc Môn nộp hồ sơ xin tách thửa để nhận di sản thừa kế từ mẹ ruột. Sau hơn 2 tháng chờ đợi mà không có phản hồi gì, ngày 10.8, ông tiếp tục làm đơn kiến nghị UBND huyện trả lời nhưng vụ việc vẫn rơi vào im lặng. Cho đến nay đã hơn 3 tháng, nhưng không nhận được phản hồi nào từ H.Hóc Môn.
Mới đây, ông Hà Mạnh Hùng và nhiều người dân khác ở xã Thới Tam Thôn (H.Hóc Môn) cũng đến hỏi thủ tục xin tách thửa đất thì chuyên viên ở quầy tiếp nhận cho biết không nhận hồ sơ tách thửa.
Có nhận hồ sơ tách thửa nhưng Q.9, Q.Thủ Đức lại chỉ giải quyết trong khu dân cư hiện hữu. Ngoài khu vực này thì không được xem xét, kể cả đất dân cư xây dựng mới dù trong Quyết định 33 không có điều khoản nào quy định như vậy. Quyết định 33 ghi rõ: nếu người dân có nhu cầu tách thửa mà phù hợp quy hoạch xây dựng, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất hằng năm của địa phương và thỏa các điều kiện quy định (diện tích, chiều dài mặt tiền đường, điện, nước...) thì được giải quyết bình thường.
Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều người dân, từ tháng 3.2016, UBND Q.9 đã không nhận hồ sơ thỏa thuận đường giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khiến việc tách thửa bị ảnh hưởng. Bà Nguyễn Trà My (ở P.Long Thạnh Mỹ, Q.9) cho biết bà có mảnh đất gần 2.000 m2, nên đã nộp hồ sơ xin thực hiện phương án đầu tư đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho mục đích tách thửa.
Tuy nhiên, tháng 6.2016, bà đến UBND Q.9 để nộp hồ sơ thì không được tiếp nhận. “Không tiếp nhận hồ sơ này thì cũng chẳng khác nào ngừng luôn việc tách thửa”, bà My nói.
Trước đó, ngày 20.8.2016, Báo Thanh Niên có đăng bài viết Lại ngưng tách thửa ở TP.HCM có đề cập đến tình trạng này ở Q.9. Đến ngày 1.9, UBND Q.9 ký Văn bản số 2477 về việc tiếp nhận lại hồ sơ thỏa thuận đường giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc giải quyết hồ sơ tách thửa cho người dân ở Q.9 vẫn giới hạn, chỉ ưu tiên giải quyết cho các trường hợp cha mẹ cho con và trong khu dân cư hiện hữu.
Sẽ xử lý địa phương ngưng tách thửa
Lý do các quận, huyện tự ngưng hoặc hạn chế việc tách thửa là vì hiện nay Sở Tài nguyên - Môi trường TP (TN-MT) đang có dự thảo sửa đổi Quyết định 33/2014 quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP. Nhưng ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, khẳng định trong quá trình sửa đổi, bổ sung Quyết định 33 thì văn bản này vẫn còn hiệu lực. Do đó, không có lý do gì để ngừng giải quyết hồ sơ tách thửa của người dân. Địa phương nào tự ý ngừng giải quyết hồ sơ cho dân thì phải chịu trách nhiệm.
Đồng thời Sở TN-MT cũng sẽ có văn bản tham mưu UBND TP chỉ đạo 24 quận, huyện chấn chỉnh tình trạng này và phải tiếp tục giải quyết nhu cầu tách thửa của người dân theo đúng tinh thần của Quyết định 33.
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội từ tháng 1 - 9.2016, Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cũng khẳng định việc ngưng tách thửa cho người dân là sai. Bởi về nguyên tắc, hiện nay TP chưa có văn bản nào thay thế Quyết định 33 thì quyết định này vẫn còn hiệu lực thực hiện. Các quận, huyện vẫn phải áp dụng các quy định tại văn bản này để giải quyết hồ sơ cho dân, không được tạm ngưng. Do đó, nếu địa phương nào mà không giải quyết thì UBND TP sẽ xuống kiểm tra và xử lý.
Mặc dù lãnh đạo Sở TN-MT, Văn phòng UBND TP đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về việc “dẹp loạn” sự tự tung tự tác ở các địa phương, nhưng thực tế hành động rất chậm chạp, chưa có một hành động nào cụ thể khiến người dân TP mấy tháng nay phải chịu thiệt hại nặng nề vì đất không thể tách thửa được.
Khi chúng tôi đặt vấn đề vì sao việc ngưng tách thửa diễn ra một thời gian dài trái luật ở Q.Thủ Đức, Q.9, H.Hóc Môn mà Sở TN-MT hay TP không có hướng xử lý để bảo vệ người dân, thì Trưởng phòng Quản lý sử dụng đất (Sở TN-MT) Huỳnh Văn Thanh cho biết đến nay Sở vẫn chưa nhận được đơn thư phản ánh của người dân về vấn đề này và cũng không nghe các địa phương này báo cáo về việc ngưng tách thửa, vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết tách thửa cho người dân. Chính vì vậy, Sở và TP cũng chưa biết và chưa có cơ sở để kiểm tra, xử lý.
“Báo Thanh Niên nếu phát hiện địa phương nào ngưng tách thửa cứ phản ánh công khai. Sở sẽ mời những đơn vị này lên để làm việc. Nếu có khó khăn gì thì kiến nghị để tháo gỡ, nhưng vẫn phải giải quyết tách thửa cho người dân trên cơ sở của Quyết định 33. Còn nếu tự ý ngưng tách thửa không có lý do TP sẽ xử lý”, ông Thanh cho biết.
|
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...