Rối mù với quy định cấp phép xây dựng
- 06/10/2014
- Tin tức thời sự
Dự án Gamuda (Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)
Nơi được miễn...
Mới đây, Bộ Xây dựng có công văn gửi Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam, hướng dẫn việc cấp giấy phép xây dựng cho công trình nhà ở cao tầng CT3 thuộc Khu đô thị mới C2 - Dự án Gamuda (tại phường Trần Phú, Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội), gây không ít băn khoăn với thị trường.
Cụ thể, Bộ Xây dựng hướng dẫn, theo quy định tại khoản 1, Điều 3 của Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 4/9/2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng (Nghị định 64/CP), thì công trình thuộc Dự án Khu đô thị mới Gamuda đã có quy hoạchchi tiết 1/500 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt không thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng.
Song, theo điểm h, khoản 1, Điều 2, Nghị quyết 43/NQ-CP ngày 6/6/2014 của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh thì công trình của dự án thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 không yêu cầu thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng.
Do vậy, thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ, đồng thời tạo điều kiện cho nhà đầu tư, Bộ Xây dựng xét thấy, công trình đã có quy hoạch chi tiết 1/500 nên được xem xét miễn giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, trước khi khởi công xây dựng, thiết kế của công trình phải được lập, thẩm định theo quy định của Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 6/2/2014 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; đồng thời phải thực hiện các yêu cầu của pháp luật về quản lý công trình được miễn giấy phép xây dựng.
Chỗ bảo không!
Đáng chú ý là cách đó không lâu, chính Bộ Xây dựng lại có công văn trả lời nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp vướng mắc khi đề nghị cấp giấy phép xây dựng với nội dung khác hẳn.
Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng, thực tế, tại các dự án đô thị được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 và được miễn giấy phép xây dựng, có đến 90% nhà dân tự xây không theo quy hoạch (tăng mật độ, sai vị trí, sai khoảng lùi…) và sai thiết kế mẫu đã được duyệt; có đến 70% nhà dân tự xây không thể làm được giấy chứng nhận sở hữu tài sản (sổ hồng), mà chỉ có thể làm chứng nhận sử dụng đất (sổ đỏ) do xây dựng sai thiết kế nhà mẫu.
Một số dự án có nhiều công trình nhà cao tầng, nhà ở có quy mô lớn khi triển khai thiết kế bản vẽ xây dựng lại sai khác với nhà mẫu và quy hoạch 1/500.
Theo Bộ Xây dựng, với thực tế này, cộng với việc Nhà nước đang nâng cao trách nhiệm đảm bảo an toàn chất lượng công trình, đảm bảo môi trường, an toàn cháy nổ cho các công trình xây dựng có quy mô lớn, chủ đầu tư cần phải xin giấy phép xây dựng đối với công trình này.
Quay lại thời điểm trước ngày Nghị định 64 có hiệu lực, Dự án Khu đô thị mới Gamuda và nhiều dự án tương tự trên cả nước đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt không thuộc đối tượng phải xin giấy phép xây dựng. Nhưng sau khi nghị định này có hiệu lực, các dự án trên lại phải xin giấy phép xây dựng.
Trải qua hơn 2 năm áp dụng trong thực tế, nhiều bất cập đã nảy sinh khiến Chính phủ phải điều chỉnh tại Nghị quyết 43 theo hướng miễn giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, theo Luật Xây dựng sửa đổi thì từ ngày 1/1/2015, các loại dự án trên lại phải xin giấy phép xây dựng.
Trao đổi với phóng viên ĐTCK, lãnh đạo một số doanh nghiệp bất động sản cho rằng, với cung cách hướng dẫn luật “thế nào cũng được” như trên, chủ đầu tư không biết đường nào mà lần và những chủ đầu tư “nhanh chân” khởi công dự án trước ngày Luật Xây dựng có hiệu lực có thể sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc vì không phải đi xin giấy phép xây dựng.
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...