Phí bảo lãnh ngân hàng sau 1 tháng thực hiện: Vẫn loay hoay và chờ đợi

Đóng phí bảo lãnh có hạn chế được những dự án tai tiếng về tiến độ như Usilk city của Cty CP Sông Đà Thăng Long?. Ảnh: Ngọc Mai.

“Lách” phí bảo lãnh

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 07, quy định về bảo lãnh ngân hàng trước ngày 1/7 vừa rồi. Tuy nhiên, nội dung chính về mức giá trần phí bảo lãnh nhà hình thành trong tương lai như chờ đợi của nhiều doanh nghiệp và khách hàng không được đề cập đến trong thông tư này. Bà Bùi Thị Kim Ngân, Trưởng phòng Tín dụng, Vụ Tín dụng (NHNN) khẳng định: Phí bảo lãnh không có mức trần hoặc sàn mà do các ngân hàng tự thỏa thuận và quyết định. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS băn khoăn và chưa dám áp dụng thu phí bảo lãnh đối với người mua nhà.

Ông Ngân Văn Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn GFS, chủ đầu tư một dự án chung cư thương mại tại quận Thanh Xuân cho biết: “Hiện, chúng tôi chưa rõ phía ngân hàng nào được phép bảo lãnh và mức phí cụ thể bao nhiêu. Tuy nhiên, dù mức phí thế nào, người mua nhà sẽ phải trả. Điều này vô tình làm tăng giá bán”.

Ông Chuyên cũng lo lắng, với những doanh nghiệp uy tín, mức phí bảo lãnh thấp, còn doanh nghiệp không có tên tuổi sẽ chịu mức phí bảo lãnh cao. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp “lách” ký hợp đồng mua bán trước ngày 1/7 để khách hàng không phải chịu phí bảo lãnh.

Còn đại diện một doanh nghiệp địa ốc TPHCM cho rằng, việc bảo lãnh phát sinh thêm thủ tục, gây khó khăn, tốn kém cho chủ đầu tư, làm mất đi cơ hội kinh doanh trên thị trường. “Trong bối cảnh thị trường BĐS đang phải cạnh tranh về giá, mức phí bảo lãnh (dự đoán thấp là 0,1%, cao lên đến 2% trên tổng giá trị hợp đồng) khiến khách hàng ngại bỏ tiền mua nhà. Trong khi đó, để được ngân hàng bảo lãnh, chủ đầu tư cần có nguồn tài sản đảm bảo (thế chấp tài sản khác hoặc bằng chính dự án đang bán). Mục tiêu của phí bảo lãnh nhằm hạn chế chủ đầu tư chậm tiến độ (nếu chậm, ngân hàng sẽ phải bỏ tiền ra để xây đảm bảo đúng tiến độ-PV). Do đó, nếu chủ đầu tư vi phạm, rủi ro phát sinh ngân hàng phải chịu trước khách hàng là rất lớn”, vị này nói.

Theo vị này, hãy để khách hàng tự chọn lựa, đào thải những chủ đầu tư yếu kém, thiếu năng lực và tìm đến với những chủ đầu tư uy tín trên thị trường.

Một chủ đầu tư dự án tại quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết: “Dự án còn khoảng gần 100 căn diện tích rộng. Khách hàng mua và ký hợp đồng thời điểm này, chúng tôi sẽ linh động ký trước ngày 1/7 để sau này dù mức phí bảo lãnh cao hay thấp cũng không bị truy thu”.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 3/8, đại diện NHNN cho biết, danh sách ngân hàng thương mại tham gia phí bảo lãnh đã xây dựng xong. Hiện, có khoảng 40 ngân hàng thương mại và đang chờ cơ quan thanh tra kiểm tra lại. Chỉ những ngân hàng có chức năng bảo lãnh ngân hàng mới được tham gia.

Kiến nghị lùi thời hạn

Trước thực trạng trên, một số doanh nghiệp, chủ tịch hiệp hội BĐS đã kiến nghị lùi thời hạn thực hiện bảo lãnh. Chủ tịch HĐQT một công ty địa ốc phân tích, hiện công ty đang triển khai nhiều dự án nhưng doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ về quy trình bảo lãnh. “Thậm chí khi doanh nghiệp hỏi nhiều ngân hàng thương mại cũng không có câu trả lời. Vì vậy, tôi mong NHNN và các cơ quan chức năng nên cho lùi thời hạn áp dụng quy định này. Những doanh nghiệp đang trực tiếp kinh doanh BĐS sẽ có cái nhìn thực tế hơn phản ánh với cơ quan chức năng, để rồi từ đó có những quy định phù hợp với thị trường”, ông này nói.

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết, hiệp hội đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, Bộ Xây dựng và các ban, ngành liên quan về việc cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện bảo lãnh bán và cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Những doanh nghiệp đang trực tiếp kinh doanh BĐS sẽ có cái nhìn thực tế hơn phản ánh với cơ quan chức năng, để rồi từ đó có những quy định phù hợp với thị trường.


Theo Tiền phong

Bài viết mới nhất