Pháp luật xây dựng: Không còn "giơ cao đánh khẽ"

Thị trường BĐS còn quá nhiều "chướng ngại vật" để về đích hồi phục. Bên cạnh câu hỏi về thanh khoản, dòng vốn nuôi dưỡng cung – cầu, vấn đề quản lý, phát triển ngành xây dựng – địa ốc thông qua các chính sách, chế tài của các cơ quan đầu ngành vẫn chưa được giải quyết thống nhất, thấu đáo.

Danh sách "đen" nhà đầu tư

Đây là đề xuất đến từ ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND Tp. Hà Nội nhằm công khai, "chỉ mặt vạch tên" các nhà đầu tư vi phạm Luật Đất đai. "Đây có thể xem là cơ hội để thành phố xem lại năng lực của các doanh nghiệp, chủ đầu tư. Trước đây, khi thị trường còn "nóng sốt", ai cũng nghĩ cứ làm BĐS là "ăn", nhưng bây giờ khi thị trường trầm lắng, thành phố thấy được, ai mới là chủ đầu tư thực sự mạnh, có đủ tiềm lực cả về vốn và năng lực, kỹ thuật để thực hiện dự án. Đây cũng là dịp để thành phố nắm lại nguồn lực đất đai của mình… Trách nhiệm của thành phố là phải loại tên những doanh nghiệp, nhà đầu tư chụp giật đó khỏi các dự án sau này, không cho tham gia nữa", ông Nam khẳng định.

Đất không giấy tờ… vẫn có sổ đỏ

Trong nội dung Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, điều khoản này đã gây "sốt" dư luận, vì nhà quản lý bỗng nhiên… dễ dãi (!) Cụ thể, đầu tháng 1/2014, Bộ TN&MT hé mở quy định về cấp "sổ đỏ" cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất từ trước 1/7/2004 mà không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất (không có giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai), nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước 15/10/1993 và không vi phạm pháp luật đất đai, được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp đất đai thì được xem xét cấp "sổ đỏ".

Hoàn thiện và thực thi khung pháp lý xây dựng một cách triệt để, hợp lý hợp tình vẫn là nhiệm vụ "gian nan" của nhà hoạch định chính sách.

Ngay cả các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai trước 1/7/2014 (thời điểm Luật Đất đai sửa đổi được "bấm nút"), hoặc đã được giao đất không đúng thẩm quyền, cũng sẽ được xem xét cấp "sổ đỏ", song với những quy định, điều kiện chặt chẽ hơn. Như vậy, bên cạnh nhiều điều khoản mang tính chế tài quyết liệt, "nút thắt" sổ đỏ được "cởi trói" mở "cửa thoát" cho rất nhiều BĐS đứng trước nguy cơ không có giấy tờ pháp lý.

Lập Đoàn kiểm tra ngay trước Tết

Ngày 16/1/2014, thời điểm chỉ cách Tết Nguyên đán ít ngày, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam quyết định thành lập đoàn kiểm tra tình hình dành và sử dụng quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH ở 12 dự án nhà ở và khu đô thị mới tại Hà Nội. Theo đó, 12 dự án lọt "tầm ngắm" bao gồm: Khu ĐTM Cầu Bươu (Thanh Trì); dự án xây dựng Thành phố giao lưu, Khu ĐTM Trung Văn, Khu ĐTM Cổ Nhuế Nam Cường, dự án Đầu tư xây dựng phát triển mở rộng khu nhà ở Cầu Diễn (Từ Liêm); Khu ĐTM Hạ Đình (Thanh Xuân); Khu ĐTM Tây Nam Linh Đàm; Khu đô thị Bắc Đại Kim mở rộng (Hoàng Mai); dự án xây dựng Khu đô thị sinh thái Phúc Lợi, Việt Hưng và Giang Biên; Khu đô thị Sài Đồng (Long Biên); Khu ĐTM Bắc An Khánh (Hoài Đức).

Phát huy hiệu quả thanh tra xây dựng

Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa Sở Xây dựng và UBND cấp quận, huyện, thị xã và cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội (do UBND Tp.Hà Nội ban hành ngày 18/2/2014) cho thấy, công trình xây dựng trên địa bàn phải được thường xuyên kiểm tra hàng ngày từ khi khởi công đến lúc hoàn thành. Đồng thời các vi phạm về trật tự xây dựng phải được lập hồ sơ, xử lý kịp thời, minh bạch theo quy định của pháp luật.

Quy chế nêu rõ phân cấp quản lý và phối hợp: thanh tra xây dựng cấp huyện chịu sự quản lý, chỉ đạo của Thanh tra Sở Xây dựng về tổ chức, chuyên môn nghiệp vụ và chịu sự chỉ đạo, điều hành của UBND cấp huyện; UBND cấp xã tiếp nhận hồ sơ vi phạm hành chính về trật tự xây dựng do thanh tra xây dựng cấp huyện chuyển đến để ban hành các quyết định xử phạt tương ứng…

Rốt ráo kiểm tra

Ngày 20/2/2014, Tp. Hà Nội ban hành kế hoạch kiểm tra 727 dự án BĐS trên địa bàn, nhằm chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, việc sử dụng đất của các chủ đầu tư theo quy định của Luật Đất đai. Được biết, đối tượng kiểm tra là các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn thành phố từ 1/1/2009 đến 31/12/2013 (trừ các dự án đã được các cơ quan chức năng thanh tra, kết luận), được UBND thành phố, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật; các cá nhân, hộ gia đình được giao đất để thực hiện sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Tp. Hà Nội đã "bỏ quên" nhiều dự án ra đời từ 2004 (từ khi Luật Đất đai 2003 chính thức có hiệu lực với những quy định chi tiết của Nghị định 181/NĐ-CP) – nguồn gốc của không ít kiện tụng, xung đột quyền lợi trách nhiệm giữa người mua và doanh nghiệp kéo dài tới nay.

Lại…yêu cầu báo cáo

Ngày 20/2/2014, Bộ Xây dựng ban hành Công văn 260/BXD-QLN yêu cầu các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các sở xây dựng báo cáo về tình hình thị trường BĐS theo tinh thần của Nghị quyết 01 của Chính phủ. Trước đó, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với NHNN, các bộ, địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2014 về tình hình, kết quả triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Dự kiến lần này, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp đánh giá tình hình triển khai gói hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng. Theo Công văn 260, Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị báo cáo trước ngày 28/2/2014.

Đông Hưng (Thời báo kinh doanh)

Bài viết mới nhất