Nóng bỏng “cuộc chiến” 2%

Ngày 21-1, Sở Xây dựng TP HCM đã lấy ý kiến các quận, huyện, doanh nghiệp (DN) bất động sản và ban quản trị (BQT) một số chung cư trên địa bàn TP về dự thảo quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Chọn mặt gửi…quỹ bảo trì

Ông Nguyễn Văn Đực, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng cần xem xét lại việc để BQT nắm quỹ bảo trì 2% vì BQT đã có quá nhiều quyền hành, trong đó có cả quyền chi tiền của tập thể. “Ông trưởng BQT bỏ ra hơn 1 tỉ đồng, thậm chí vài  trăm triệu đồng mua căn nhà nhưng được sở hữu mấy tỉ đồng quỹ bảo trì, có nơi lên đến hàng chục tỉ đồng, rất nguy hiểm! Buồn buồn, ổng bán nhà ôm quỹ đi luôn thì cư dân phải làm sao?” - ông Đực đặt vấn đề. Theo ông Đực, nhiều thành viên BQT không có trình độ chuyên môn nên quản lý chung cư không tốt, gây ảnh hưởng nhiều đến thương hiệu của chủ đầu tư.  Đại diện Công ty CP Xuất nhập khẩu Khánh Hội cũng tỏ ý không tin tưởng BQT. “Khi bầu BQT tại chung cư Khánh Hội 2 do chúng tôi làm chủ đầu tư, toàn những người mới học lớp 9, lớp 11… ứng cử còn những người có trình độ thì không quan tâm” - người này dẫn chứng. Ngược lại, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 10 cho rằng việc quản lý quỹ bảo trì 2% là vấn đề nóng bỏng vì số tiền quá lớn. “Ở một số chung cư trên địa bàn có hiện tượng chạy đua, thậm chí là vận động để được vào BQT” - vị đại diện thông tin.

 

Nóng bỏng “cuộc chiến” 2%
Chung cư 4S Riverside tồn tại nhiều bất ổn do tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư

Theo đại diện BQT chung cư Phú Thọ (quận 11), thật quá vô lý khi chủ đầu tư đã bán hết căn hộ nhưng tài sản nào của chung cư cũng muốn quản lý. Tiếp lời, ông Trương Nhật Quang, đại diện BQT chung cư 4S Riverside (quận Thủ Đức), cho rằng nếu hoài nghi BQT quản lý quỹ không tốt, ôm quỹ bỏ trốn thì có chắc gì chủ đầu tư đã quản lý quỹ minh bạch hơn. “Quy định là khi ký hợp đồng, chủ đầu tư lập riêng một tài khoản ngân hàng, đóng 2% vào đó và khi có BQT thì phải giao lại cho BQT. Thế nhưng, suốt 5 năm qua, chủ đầu tư chung cư 4S Riverside đã cù cưa trong việc bàn giao quỹ bảo trì và cũng không rõ phần lãi gửi ngân hàng đã đi đâu?” - ông Quang nêu thực tế.

Kiến nghị lùi thời điểm ban hành

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, đặt vấn đề dự thảo nếu được thông qua cũng chỉ tồn tại chưa tới 5 tháng. “Cứ cho rằng dự thảo sẽ được TP phê duyệt trong tháng 1 thì đến tháng 6 đã phải bãi bỏ vì Luật Nhà ở mới có hiệu lực. Sau khi thông qua còn chỉnh lý, tập huấn… nên chắc hết thời hạn cũng chưa xong. “Trong khi đó, Luật Nhà ở mới quy định khá đầy đủ về quy chế quản lý nhà chung cư, tại sao không chờ đến lúc đó thực hiện luôn?” - ông Châu nói. Theo ông Châu, trong thời gian này, Sở Xây dựng nên rà soát, hệ thống lại một lần nữa cho thật chặt chẽ những vấn đề tồn tại ở các chung cư để khi luật mới có hiệu lực sẽ áp dụng nhanh hơn. Nhiều ý kiến cho rằng không nên ban hành quy chế riêng của TP vì Luật Nhà ở mới với hệ thống nghị định, thông tư hướng dẫn của các bộ đã rất đầy đủ.

Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết Luật Nhà ở hiện hành chỉ có 4 điều về chung cư trong khi luật mới có đến 19 điều, quy định cụ thể, chi tiết hơn về quản lý và sử dụng nhà chung cư. Sở Xây dựng từng kiến nghị TP chưa nên ban hành quy chế vào thời điểm này mà hãy chờ đến tháng 6-2015. Tuy nhiên, trước tình hình mâu thuẫn, tranh chấp tại các chung cư ngày càng gia tăng, TP đã chỉ đạo phải hoàn thành dự thảo để ban hành trong tháng 12-2014. “Sắp tới, song song với việc trình TP bản dự thảo, Sở Xây dựng sẽ một lần nữa kiến nghị TP lùi thời điểm ban hành” - ông Hùng nói. Về vấn đề có nên ban hành quy chế hay không, ông Hùng khẳng định đây là việc cần thiết vì TP có những đặc thù riêng. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chắc chắn không quy định chi tiết hết những cách giải quyết vụ việc phát sinh. Do đó, dự thảo mới sẽ được tổng hợp, chỉnh sửa trên cơ sở tiếp tục lấy ý kiến các bên liên quan và căn cứ vào những quy định của Luật Nhà ở mới.

Minh Khanh (NLĐ)

Bài viết mới nhất