Những doanh nghiệp địa ốc bị “bêu danh” nợ thuế nghìn tỷ

Dự án Berriver Long Biên của Hanco 9 sắp hoàn thiện vẫn còn nợ hơn 100 tỷ đồng thuế đất - Ảnh: Nguyên Minh


Trong các năm 2011 - 2013, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã bị cơ quan thuế TP. Hà Nội “bêu danh” vì chây ỳ thuế tiền sử dụng đất, với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Đến năm 2014, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, cũng như thị trường, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách giãn, giảm thế, nhưng nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn tiếp tục nợ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu của Cục Thuế Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện có 62 dự án bất động sản còn nợ tiền sử dụng đất, với tổng số tiền hơn 4.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp nợ đến hàng trăm tỷ đồng, như Tổng công ty Phát triển phát thanh truyền hình thông tin nợ 440 tỷ đồng, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) nợ gần 170 tỷ đồng, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Việt Hà nợ hơn 200 tỷ đồng, Công ty TNHH Thương mại, quảng cáo, xây dựng địa ốc Việt Hân nợ 213 tỷ đồng, CTCP Thương mại và xây dựng Á Châu nợ 231 tỷ đồng, CTCP Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng (Indeco) nợ 193 tỷ đồng, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) nợ 144 tỷ đồng, Tổng CTCP Thương mại xây dựng nợ 227 tỷ đồng, CTCP Đầu tư xây dựng số 9 (Hanco 9) nợ hơn 100 tỷ đồng…

Lý giải về việc chây ỳ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều lý do khách quan và chủ quan.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Cầm Anh Tuấn, Chánh văn phòng Tổng công ty HUD cho biết, số tiền nợ thuế của Tổng công ty mà cơ quan thuế Thành phố đưa ra là chính xác. Trong đó, HUD hiện còn nợ khoảng 125 tỷ đồng tại Dự án Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm và khoảng 45 tỷ đồng tại Dự án Khu đô thị Việt Hưng.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, tại Dự án Việt Hưng, HUD chỉ nợ 45 tỷ đồng, trong khi tiền hạ tầng HUD đã chuyển giao cho Thành phố lên đến trên 200 tỷ đồng. Vì thế, doanh nghiệp đang chờ cơ chế bù trừ trực tiếp. Trong khi đó, tại Dự án Tây Nam Linh Đàm, việc điều chỉnh quy hoạch khiến doanh nghiệp phải nộp thêm phần phát sinh. Đến nay, dự án cũng vẫn chưa thực hiện xong, do vậy, doanh nghiệp dự kiến sẽ có văn bản xin giãn tiến độ nộp thuế. “Đến đầu năm 2015, HUD sẽ hoàn thành thanh toán hết 125 tỷ đồng thuế đất tại dự án này”, ông Tuấn cam kết.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Minh Thành, Phó tổng giám đốc Hanco 9, chủ đầu tư Dự án Beriver (Long Biên) cũng xác nhận việc còn nợ hàng trăm tỷ đồng tiền sử dụng đất tại dự án này, dù dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị bàn giao nhà.

Tuy nhiên, theo ông Thành, việc Hanco 9 nợ cả trăm tỷ đồng tiền sử dụng đất là do cách tính cũ, tính toàn bộ thuế đất 5 tòa nhà của toàn bộ dự án. Trong khi đó, hiện Hanco 9 đã chia dự án ra từng giai đoạn và triển khai tòa nhà trung tâm N03 đầu tiên.

Ông Thành cho biết, hiện Thành phố đã có chủ trương cho phép doanh nghiệp được đóng thuế trên phần diện tích triển khai. Do đó, Hanco 9 chỉ phải đóng thuế cho phần diện tích tại Tòa N03 với số tiền trên 50 tỷ đồng.

“Theo kế hoạch, Hanco 9 sẽ hoàn thành nghĩa vụ tiền thuế đất trước tháng 10/2014, là thời điểm bàn giao nhà. Tuy nhiên, dự án bị chậm nên doanh nghiệp mới đóng được khoảng 40 tỷ đồng và dự kiến số tiền thuế còn nợ, chúng tôi sẽ hoàn tất việc đóng thuế vào đầu năm 2015”, ông Thành nói.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, trong số những dự án bị cơ quan thuế Hà Nội “điểm danh” vì chây ỳ, bên cạnh nhiều dự án đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng, nhưng vì nhiều lý do doanh nghiệp vẫn không chịu nộp thuế, thì cũng còn không ít dự án, chủ đầu tư không chịu đóng thuế đất, cũng không chịu triển khai dự án, bất chấp bị Hà Nội kiến nghị thu hồi, gây lãng phí và thất thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước.

Theo Đầu tư Bất động sản

Bài viết mới nhất