Nhà rẻ, lãi suất thấp vẫn chưa hấp dẫn khách vay
- 07/10/2017
- Tin tức thời sự
Thu nhập của vợ chồng chị Thu Lan, quận Bình Tân, TP HCM mỗi tháng là 22 triệu đồng. Trước giờ hai người ở nhờ nhà chồng, chị muốn có nhà riêng. Giá bất động sản đã xuống, lãi suất lại giảm mạnh nhưng chị vẫn chưa dám vay ngân hàng.
Nhiều người vẫn ngại mua nhà. Ảnh: Anh Quân |
Điều vợ chồng chị Lan lo lắng là vấn đề lãi suất. Chị cho rằng, hiện nay lãi suất xuống thấp nhưng sẽ không biết được mức lãi của những năm sau đó diễn biến thế nào. "Tiền vay mua nhà thường là kỳ hạn dài, nếu năm sau lãi suất tăng đột biến trong khi thu nhập của hai vợ chồng không tăng, thậm chí giảm thì sẽ khó lòng xoay sở được", chị Lan chia sẻ.
Hiện nay, để đẩy mạnh dư nợ tín dụng cuối năm, các ngân hàng đã chủ động tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi lãi suất cho các khoản vay mua nhà. Hầu hết các dự án đều được ngân hàng cho thế chấp bằng chính căn hộ mua và cho vay với mức lãi suất chỉ 5,91-9,5% một năm.
Chẳng hạn Oceanbank áp dụng lãi suất thấp nhất 5,91%. Techcombank công bố dành tới 4.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng lãi suất 5,99% một năm. Tuy nhiên, hầu hết các mức lãi suất ưu đãi này chỉ cố định trong khoảng thời gian 3-6 tháng đầu, còn sau đó sẽ thả nổi theo thị trường. Điều này khiến nỗi lo biến động lãi suất trong tương lai như vợ chồng chị Lan là có căn cứ.
Trên muc Tiền của tôi, nhiều độc giả cũng bộc bạch tình hình kinh tế hiện nay chưa sáng sủa thì không nên vì cái lợi trước mắt mà vay nợ ngân hàng. "Phải tính đến những tình huống như mất việc, bị bệnh... khiến nợ chồng thêm mang nợ", độc giả tên Hà chia sẻ.
Chị Hoài Hương, Tân Bình, TP HCM còn lo nếu hiện nay mua nhà giá thấp nhưng sau đó, lãi suất tăng cao, tính ra số tiền phải trả cho ngôi nhà ấy là khá cao. "Như vậy, từ chỗ mua được nhà giá rẻ, nếu lãi suất tăng thành ra mua nhà giá cao. Do vậy, chúng tôi rất đắn đo trong việc gõ cửa ngân hàng vay tiền mua nhà", chị nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á cho rằng, nhu cầu vay vốn luôn tăng cao trong dịp cuối năm, nhất là những món vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Tại NamA bank, nếu so với cùng kỳ năm trước có tăng lên nhưng so với quy mô thị trường vẫn không đáng kể.
Riêng phân khúc cho vay mua nhà, ông Tâm thừa nhận, do tình hình kinh tế khó khăn khiến nguồn thu nhập của người dân chịu nhiều ảnh hưởng. "Vì vậy, họ rất dè dặt vay ngân hàng để mua nhà trong bối cảnh này", ông Tâm nói.
Khâu kiểm duyệt chặt chẽ từ phía ngân hàng cũng làm người vay phần nào chùn bước. Lãnh đạo Vietcombank cho biết, dù các ngân hàng tung ra nhiều gói ưu đãi nhưng vẫn phải siết các điều khoản cho vay nhằm hạn chế tình trạng tăng nợ xấu. "Chúng tôi rất muốn tăng trưởng tín dụng, nhưng kèm theo đó phải đảm bảo chất lượng khoản vay", vị này nói.
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, dư nợ tín dụng hết tháng 11 tăng 9%, có khả năng cả năm đạt 11-12%. Trong khi đó, báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam và các nước châu Á mới được ANZ công bố thì mức tăng 9% này là bao gồm cả phần nắm giữ trái phiếu và mua nợ xấu của Công ty Quản lýtài sản Việt Nam (VAMC), còn tín riêng phần cho vay từ ngân hàng, dư nợ tín dụng chỉ mới tăng 7,1%.
Lệ Chi (Vnexpress)
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...