Nhà ở cao cấp: Muốn “ăn” thật phải “làm” thật

Nhà ở cao cấp đang đứng trước cơ hội đón làn sóng đầu tư mới
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, về tổng thể phân khúc nhà ở cao cấp hiện nay còn khó khăn, cung vẫn vượt cầu, hiện tượng “lướt sóng” đầu cơ gần như không còn tồn tại, thay vào đó là nhu cầu ở thật. Đây được xem là những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Tuy vậy, cũng theo ông Lê Hoàng Châu, thị trường TP.HCM vẫn xuất hiện không ít dự án có tính thanh khoản tốt, lượng giao dịch có dấu hiệu tăng từng ngày. “Đó là những dự án có vị trí tốt, dịch vụ tiện ích xung quanh, phương thức thanh toán linh hoạt, phương thức kinh doanh tiếp thị tốt và được phát triển bởi những doanh nghiệp uy tín, thương hiệu đã được khẳng định”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.

Khảo sát thị trường TP.HCM cho thấy, hiện có khá nhiều dự án nhà ở cao cấp được các doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị tung ra thị trường, nổi bật là các dự án của những tên tuổi quen thuộc như Novaland, Phú Mỹ Hưng, Phú Long, Khang Điền, Nam Long… trong đó nhiều dự án đang có lượng giao dịch khá tốt như Sunrise City, The Prince Residence, Tropic Garden, Lucky Palace, Lexington Residence…

Điều gì khiến thị trường nhà ở cao cấp dần lấy lại “phong độ” sau nhiều năm khuất bóng. Theo giới phân tích, chính sự “khuất bóng” này đã khiến nguồn cung nhà ở cao cấp dần thu hẹp lại. Và, theo quy luật tất yếu của thị trường, khi nguồn cung khan hiếm thì sản phẩm sẽ tiến gần hơn với nhu cầu tiêu dùng, điều này giúp tạo nên một thị trường ổn định cho phân khúc cao cấp.

Bên cạnh đó, giá cũng là yếu tố mang tính quyết định đầu ra của phân khúc nhà ở cao cấp. Thực tế cho thấy, nếu như trước đây, giới đầu tư mạnh tay chi tiền để sở hữu bằng được những bất động sản cao cấp nhằm mục đích đầu cơ khiến giá đẩy lên vô tội vạ và đây cũng là nguyên nhân chính khiến phân khúc này rơi vào khủng hoảng, thì giờ đây, giá bán đang tiến gần hơn với mong đợi của người mua.

Như vậy, mức giá nào được xem là phù hợp và được thị trường đón nhận đối với phân khúc nhà ở cao cấp? Nhận định về điều này, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, mức giá hợp lý nhất là từ 25 – 38 triệu đồng/m2 tùy vào vị trí và loại hình nhà ở. Cũng theo ông Châu, mức giá này đang ở ngưỡng cạnh tranh bởi để có được mức giá này, doanh nghiệp phải có chiến lược đầu tư bài bản và tối ưu hóa trong từng dự án của mình.

Ngoài ra, theo quan sát của BizLIVE, nhu cầu của phân khúc nhà ở cao cấp hiện nay phần lớn hướng tới những căn hộ đã gần hoàn thiện (hơn 70% lượng căn hộ bán ra đã xây xong). Điều này nói lên rằng, để thành công trong phân khúc nhà ở cao cấp, doanh nghiệp phải “ăn chắc mặc bền”, phải xây dựng đúng tiến độ và chất lượng như đã cam kết và đáp ứng mọi tiêu chí của khách hàng.

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân cho rằng, tâm lý chung của người tiêu dùng trung lưu là sự khó tính. “Cũng giống như bạn mua bất kỳ một sản phẩm cao cấp nào, người mua luôn tìm đến nhà sản xuất đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của họ. Chính sự đáp ứng cao điều kiện của khách hàng đã rút ngắn khoảng cách giữa bên bán - bên mua và do đó được thị trường đón nhận”, TS. Nhân nhấn mạnh.

Nhận định về sức ảnh hưởng của phân khúc nhà ở cao cấp đối với thị trường bất động sản nói chung trong thời gian tới, ông Timothy Horton, Giám đốc điều hành Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, còn quá sớm để đưa ra kết luận. Tuy nhiên, “doanh nghiệp cũng không cần nôn nóng đòi hỏi quá nhiều lượng người mua, bởi nguồn cung hạng sang hiện nay chưa nhiều, điều quan trọng nhất lúc này là cần phải giữ thị trường ổn định”, ông Timothy Horton chia sẻ.

NGÔN DÂN/BIZLIVE

Bài viết mới nhất