Nhà đầu tư quốc tế săn lùng đất ở Sài Gòn

Đầu năm 2015, một quỹ đầu tư bất động sản đến từ Luxembourg đang đặt hàng nhiều đối tác nội địa săn lùng quỹ đất sạch tại các địa bàn quận 8, 9, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, Nhà Bè để phát triển nhà chung cư. Quy mô đất mà đơn vị này tìm kiếm có diện tích 3.000-30.000 m2, phân khúc được định vị là căn hộ vừa túi tiền, giá trên dưới một tỷ đồng.

Theo nguồn tin từ quỹ đầu tư này, ngoài việc tập trung săn quỹ đất sạch, đơn vị còn tìm kiếm các đối tác có tiềm lực trong nước để liên kết, hợp tác đầu tư địa ốc trên địa bàn TP HCM.

Trong báo cáo thị trường bất động sản TP HCM vừa công bố đầu tháng 1, CBRE Việt Nam đã điểm qua thương vụ Keppel Land mua khu đất dự án của Công ty Tiến Phước. Ngoài ra, có hai nhà đầu tư ngoại là Tung Shin và Lemograss Master Fund cũng đã lần lượt thâu tóm dự án Movenpick Sài Gòn (khách sạn) và Indochie Park Tower (căn hộ dịch vụ).

a-tb-2-nha-dau-tu-quoc-te-dua-6760-9560-

Các nhà đầu tư quốc tế đang ngấp nghé gia nhập thị trường bất động sản TP HCM. Ảnh: Vũ Lê

Trong tuần đầu tiên của tháng 1/2015, triệu phú địa ốc Kenvin Green (đang sở hữu 800 bất động sản các loại tại Anh) vừa có chuyến giao lưu, khảo sát và gặp gỡ đối tác hoạt động cùng ngành tại TP HCM. Là một trong những doanh nghiệp tiếp xúc với Kenvin Green, Chủ tịch Công ty địa ốc Khải Hoàn Land, Nguyễn Khải Hoàn cho biết, Kenvin Green tiết lộ không chỉ cá nhân ông mà các đối tác của tập đoàn cũng bắt đầu có sự quan tâm đặc biệt đến thị trường Việt Nam.

Cuối năm 2014, một quỹ đầu tư Nhật là Creed Group cũng đã công bố rót vốn mua cổ phần 3 dự án bất động sản của Công ty cổ phần đầu tư Năm Bảy Bảy. Đầu năm 2015, một trong các dự án này là City Gate (tại Đại lộ Võ Văn Kiệt, TP HCM) đã được tái khởi công nhờ nguồn vốn ngoại và chào bán sản phẩm ra thị trường.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh, Lương Trí Thìn nhận xét, bất động sản TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang được các nhà đầu tư quốc tế đặc biệt quan tâm trong vòng 6-12 tháng qua. Thị trường không chỉ đón các tên tuổi quen thuộc đến từ châu Á như: Nhật, Singapore, Hong Kong, Malaysia mà còn ghi nhận thêm không ít nhà đầu tư châu Âu, Mỹ với thương hiệu mới xuất hiện lần đầu, đang âm thầm quan sát và săn hàng.

Ông Thìn đánh giá, các thương vụ mua bán, sáp nhập, đầu tư, liên doanh liên kết trong lĩnh vực địa ốc đang có nhiều chuyển động mạnh dần. Chiều hướng tích cực thể hiện qua việc dòng vốn ngoại đổ vào bất động sản tăng lên. Chính sách nới lỏng đầu tư cho khối ngoại trong Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cũng là cú hích tâm lý cho các nhà đầu tư ngoại. "Năm 2015, các giao dịch đất dự án sẽ được đẩy mạnh vì khi thị trường có dấu hiệu phục hồi, các nhà đầu tư phát triển địa ốc trong nước và quốc tế đều phải chuẩn bị trước quỹ đất để kịp bung hàng ra thị trường", ông dự báo.

Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, Marc Townsend phân tích, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường địa ốc Việt Nam vẫn rất lớn, đặc biệt tập trung vào TP HCM và các đô thị lớn. Tuy nhiên, theo ông, hầu hết các giao dịch đầu tư vẫn gặp trở ngại liên quan đến giá cả khiến cho các thương vụ kéo dài thời gian. "Thị trường bất động sản Việt Nam cần nhiều cách tiếp cận thực tiễn và minh bạch hơn nữa để nhà đầu tư quốc tế hội nhập sâu rộng hơn", ông nhận xét.

Vũ Lê (VnExpress)

Bài viết mới nhất