Người Việt rục rịch về nước đầu tư nhà đất

Đang sống và làm việc tại Anh, chị Hoàng vừa về nước mua biệt thự biển trị giá hơn 5 tỷ đồng tại Phước Tĩnh - Bà Rịa Vũng Tàu. Chị chia sẻ: "Tôi quyết định mua vì tiền gửi tiết kiệm bên Anh 1,5% mỗi năm, trừ thuế 20% còn lại 1,2% năm, là quá thấp. Trong khi mua biệt thự biển tại Việt Nam được cam kết mức sinh lời 8% bằng USD, lợi hơn nhiều".

Giá một căn biệt thự biển hơn 5 tỷ đồng với chị Hoàng là khá mềm và dễ đầu tư. Ở Anh nếu muốn sở hữu một căn tương tự đòi hỏi vốn lớn hơn mà lợi tức không bằng. Ngoài ra, chị và gia đình quyết định mua ngay vì luật cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam. Trong trường hợp không đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc là người Việt thì tối thiểu chị vẫn có đủ các quyền sở hữu nhà, mua bán như người nước ngoài, đặc biệt không còn đối mặt với rủi ro phải nhờ người khác đứng tên giúp.

Trường hợp kiều bào về nước đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng như chị Hoàng không phải là cá biệt. Trong chuyến khảo sát thị trường địa ốc tại Phú Quốc đầu tháng 7, bà Thưởng, (đại diện một nhóm người Việt tại Đông Âu) đã đăng ký giữ chỗ 7 căn hộ hướng biển trong một dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Bãi Dài, Phú Quốc. "Tại Phú Quốc nhiều chủ đầu tư mạnh dạn cam kết tỷ suất lợi nhuận cao cùng với vị thế đặc khu kinh tế tương lai là cơ hội đầu tư hấp dẫn. Thêm vào đó chính sách mở rộng cho người nước ngoài và kiều bào mua nhà giúp chúng tôi mạnh dạn rót vốn đầu tư", bà Thưởng giải thích.

Không chỉ có biệt thự biển hấp dẫn người Việt ở nước ngoài, các giao dịch của kiều bào cũng xuất hiện ở phân khúc căn hộ trung - cao cấp. Anh Trung, (40 tuổi), đã sống và làm việc ở nước ngoài gần 20 năm cũng vừa mua căn hộ cao cấp Gold View, Bến Vân Đồn trị giá gần 3 tỷ đồng tại TP HCM trong tháng 7.

Người Việt rục rịch về nước đầu tư nhà đất

Bất động sản ven biển và những loại hình nhà ở có thể sinh lời từ khai thác tiêu dùng (cho thuê) đang được người Việt ở nước ngoài quan tâm rót vốn đầu tư.

Anh Trung chia sẻ, nhận thấy thị trường bất động sản Việt Nam đã sôi động trở lại và chính sách mở rộng cho người nước ngoài và kiều bào mua nhà trong nước khá hấp dẫn nên quyết định đầu tư. "Nếu mua đi bán lại có lãi trong trung và dài hạn thì tốt, không thì tôi đầu tư cho thuê, lợi tức 6% một năm là khá ổn", anh Trung đánh giá.

Thống kê của Công ty Novaland, trong tháng 7, lượng người Việt ở nước ngoài mua căn hộ trong các dự án doanh nghiệp làm chủ đầu tư chiếm 10% tổng lượng giao dịch. Các hợp đồng mua nhà đa phần tập trung vào những chung cư cao cấp, vị trí đắc địa.

Trong khi đó, từ đầu tháng 7 đến ngày 8/8, Công ty Phú Mỹ Hưng ghi nhận hơn 100 trường hợp giao dịch từ kiều bào và người nước ngoài. Phó tổng giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng, Trương Quốc Hưng cho biết, tính từ khi hình thành khu đô thị đến nay, doanh nghiệp ghi nhận có gần 30.000 cư dân về đây sinh sống thì có 50% trường hợp là người ngước ngoài, trong đó bao gồm cả kiều bào. 

Trước đây, nếu tính riêng lượng giao dịch của người Việt ở nước ngoài chiếm khoảng 10% khách mua nhà tại Phú Mỹ Hưng, tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp mua dưới danh nghĩa người thân đứng tên. "Với quy định mới cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, đặc biệt mở rộng quyền của kiều bào, lượng giao dịch của người Việt ở nước ngoài đứng tên hợp đồng trực tiếp sẽ gia tăng trong thời gian tới", ông Hưng dự báo.

Căn hộ giá bình dân cũng được nhóm khách hàng kiều bào để mắt đến, trong đó khá nhiều người từ Hong Kong, Hàn Quốc đã ký hợp đồng mua dự án City Gate trên đường Võ Văn Kiệt vì giá căn hộ chỉ khoảng 1-1,2 tỷ đồng, tức 16-18 triệu đồng mỗi m2. Từ sau ngày 1/7, thời điểm các quy định mới mở rộng cho người nước ngoài và kiều bào sở hữu nhà trong nước, lượng giao dịch của người Việt ở nước ngoài tại dự án này chiếm 20% tổng lượng giao dịch trong tháng vừa qua.

Tổng giám đốc Công ty Techcomreal, Nguyễn Xuân Lộc đánh giá: "Không phải đợi đến bây giờ người Việt mới về nước mua nhà. Song, các chính sách thông thoáng, mở rộng cho người nước ngoài mua nhà, đặc biệt đặt quyền lợi của kiều bào ngang hàng với người Việt trong nước đã kích đúng mạch ngầm của nguồn cầu này".

Theo ông Lộc, hiện giờ chưa có các Thông tư hướng dẫn cụ thể việc bán nhà cho người nước ngoài và kiều bào. Do đó còn quá sớm để dự báo tỷ lệ giao dịch bất động sản của người Việt ở nước ngoài sẽ tăng trưởng bao nhiêu phần trăm, nhưng có thể yên tâm về kịch bản tươi sáng ở nhóm khách hàng này.

Nếu chỉ tính các trường hợp kiều bào chuyển từ trạng thái nhờ người thân đứng tên sang đứng tên chính thức trong hợp đồng mua nhà thì mức độ rủi ro đã giảm xuống bằng 0. Sức hấp dẫn còn lại phụ thuộc vào bài toán đầu tư có tỷ suất sinh lời như thế nào và cam kết cũng như uy tín của chủ đầu tư có mạnh mẽ hay không.

Hiện các loại hình bất động sản hấp dẫn người Việt ở nước ngoài gồm: nghỉ dưỡng (đa số là biệt thự biển), chung cư, nhà phố thương mại và cả biệt thự ở quận 2, 7, 9. Điểm chung của các loại tài sản này là khả năng khai thác tiêu dùng (cho thuê hoặc để ở) đều tốt.

Ông Lộc cho rằng có 3 lý do để người Việt mạnh dạn trở về Việt Nam đầu tư bất động sản trong thời điểm này. Thứ nhất là sức hấp dẫn nội tại của thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn hậu khủng hoảng và bước vào ngưỡng đầu tiên của chu kỳ hồi phục. Hiện nay thanh khoản thị trường tăng ấn tượng, dân số trẻ, GDP có triển vọng tăng trưởng khá tốt và thói quen sở hữu nhà là các điểm cộng hấp dẫn kiều bào về nước đầu tư.

Thứ hai là các chính sách tại Việt Nam đang có xu hướng hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường bất động sản. Từ việc mở rộng việc cho phép người nước ngoài và kiều bào mua nhà trong nước cho đến các quy định về bảo lãnh bán nhà, bỏ giao dịch qua sàn... Đây là điểm cộng thứ hai giúp người Việt ở nước ngoài yên tâm về tính minh bạch và độ mở của thị trường.

Thứ ba là làn sóng kiều bào về nước đầu tư theo làn sóng đầu tư bất động sản khá thành công của các đại gia người Việt từ Mỹ, Đông Âu và một số nước châu Á. Các kiều bào trẻ thường về nước đầu tư bất động sản là căn hộ có vị trí đẹp trong đô thị, dưới hình thức đầu tư cá nhân đang có xu hướng tăng lên. Người Việt lớn tuổi về nước dưới dạng hồi hương cũng có nhu cầu sở hữu nhà ở khá nhiều và đặc biệt chuộng đầu tư theo cộng đồng, ưa thích bất động sản nghỉ dưỡng.

Vũ Lê (VnExpress)

Bài viết mới nhất