Nên khuyến khích phát triển nhà ở cho thuê

Ngày 12/6, UB MTTQ TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tham gia góp ý kiến phản biện xã hội về dự thảo Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2012 – 2020 và định hướng đến năm 2030.




Ảnh minh họa

 

Năm 2015, bình quân nhà ở 23,1m2/người

Hiện tích đất tự nhiên của Hà Nội hiện khoảng 332.900ha (tăng lên gấp 3,6 lần so với trước khi sáp nhập), trong đó đất ở nông thôn là 33.945ha (chiếm 10,2%); đất ở đô thị 7.840ha (chiếm 2,4%). Thống kê năm 2011, ở TP có tổng diện tích nhà ở gần 147 triệu m2, bình quân đạt 21,5m2/người, cao hơn bình quân diện tích nhà ở cả nước (18,6m2/người). Trong 10 năm (2000 - 2010), TP xây dựng được 16 triệu m2 sàn nhà ở (bình quân 1,5 triệu m2/năm), riêng năm 2011 xây dựng được 3 triệu m2 sàn nhà ở. Chất lượng nhà ở nâng lên, khảo sát 2009 tỷ lệ nhà ở kiên cố chiếm 88,56%, bán kiên cố 11,2%, thiếu kiên cố chiếm 0,26%, nhà ở đơn sơ chiếm 0,06%. Đây là thành tựu lớn của TP về phát triển nhà ở, giải quyết đáng kể nhà ở cho xã hội… Tuy nhiên, việc phân bố ở không đồng đều do giá cả luôn biến động tăng cao, nên một bộ phận dân cư còn khó tiếp cận nhà ở… Theo báo cáo của Sở Xây dựng (đến 30/6/2012), kiểm tra 16 dự án nhà ở trên địa bàn, có 655 biệt thự, 574 nhà liền kề và 178 căn hộ chung cư (chiếm 1% trong tổng số 14.300 căn hộ) chưa đưa vào sử dụng. Riêng các nhà chung cư cũ phần lớn xuống cấp, hạ tầng kỹ thuật cũng vậy, cần phải được cải tạo xây dựng lại.

Theo dự thảo, giai đoạn 2012 - 2015, chỉ tiêu phấn đấu của TP đến năm 2015, dự kiến diện tích nhà ở bình quân đạt 23,1m2/người (khu vực đô thị 26.6m2/người; nông thôn 20m2/người); năm 2020 là 26,3m2/người và năm 2030 nâng lên 31,5m2/ người. Cũng đến năm 2015, khi đó, ở TP có khoảng 1 triệu sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trong đó 60% có nhu cầu ở ký túc xá, với diện tích ở 6m2/chỗ ở. Như vậy, giai đoạn 2012 – 2015, cần khoảng 1,3 triệu m2 sàn nhà ở, đáp ứng 200.000 chỗ ở (được sử dụng có tính luân phiên)… Đối với nhà ở công nhân, dự kiến 10m2/chỗ ở, đến 2015 nhu cầu khoảng 300.000m2 sàn nhà ở, tương ứng 300.000 chỗ ở (có tính sử dụng luân phiên)… Ngoài ra, TP sẽ xây dựng nhà ở cho tái định cư, GPMB, nhà ở công vụ…

Đáng lưu ý, từ năm 2012 – 2015, TP tạm dừng xem xét phát triển các dự án nhà ở thương mại.

Dự thảo cũng đề cập những khó khăn, hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn thiếu; việc huy động nguồn lực cũng vậy; lại chưa có cơ chế đặc thù tạo quỹ đất sạch, thu hồi đất hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích, tổ chức đấu giá đất, khai thác có hiệu quả quỹ đất... Tuy nhiên, TP chủ trương dành ngân sách, đầu tư 0,3% diện tích nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua; 100% diện nhà ở công vụ; nhà ở sinh viên cho GPMB và đầu tư hạ tầng kỹ thuật khoảng 1,3 triệu m2 sàn; xây dựng 20% quỹ nhà tái định cư… Tổng cộng, giai đoạn 2012 - 2015 đầu tư khoảng 8.453,4 tỷ đồng.

Những ý kiến đa chiều

TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, dự thảo mới chỉ căn từ định hướng phát triển Kinh tế - xã hội của TP, nên cần quan tâm hơn đến quy hoạch chung Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050. Bởi mô hình, cấu trúc mới khác hẳn các quy hoạch đã duyệt lần trước, đó là đa trung tâm, là chùm đô thị và vừa phát triển đô thị, vừa xây dựng nông thôn mới. Ông cũng đề nghị dự thảo, cần bổ sung làm rõ hơn những thành tựu phát triển nhà ở Hà Nội trong những năm qua, để rút ra những kinh nghiệm; đồng thời phải khai thác lợi thế của Luật Thủ đô để đưa vào chương trình lần này.

GS. TS Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên và môi trường Việt Nam chỉ ra bất cập lâu nay, các chủ đầu tư các dự án khu đô thị mới của Hà Nội chỉ quan tâm phát triển nhà ở thương mại để kiếm lợi, bỏ mặc đầu tư phần hạ tầng xã hội (trường học, trạm y tế, sân chơi cho trẻ con), không quan tâm bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, … ;đề nghị, cần có những cơ chế buộc chủ dầu tư phải tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường.

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Tô Anh Tuấn cho rằng, nhà ở thương mại có vai trò kích thích phát triển nhà ở, hơn nữa để thực hiện một dự án đầu tư xây dựng nhà ở cần thời gian vài năm chuẩn bị. Vì thế không nên dừng, mà cần lựa chọn các dự án có tính chất trọng điểm triển khai, ông Tuấn đề xuất

Đại diện Cục quản lý nhà ở - Bộ Xây dựng (đơn vị tham mưu chương trình dự thảo của Hà Nội) đã khẳng định, Bộ Xây dựng đã cùng UBND TP phối hợp chặt chẽ xây dựng chương trình, bám vào các chủ trương, chính sách nhà nước của bộ, ngành, TƯ. Trong đó, Ban soạn thảo bám sát các nội dung Luật Thủ đô, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thời điểm nghiên cứu là đầu năm 2011, bối cảnh khi đó khác với hiện nay, Ban soạn thảo mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp để sẽ xem xét, chỉnh sửa cho phù hợp.

Chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Thành Công, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng, từ thời điểm xây dựng Chương trình phát triển nhà ở đến nay, thị trường nhà ở, thị trường bất động sản có nhiều biến động, nên chương trình khó tránh phải điều chỉnh … Ngay cả Chiến lược quốc gia về nhà ở xây dựng cũng đã có những phần bị lạc hậu. Theo quan điểm của ông, việc phát triển nhà ở lúc này, cần tái cấu trúc sản phẩm nhà ở chứ không phải đa dạng hóa sản phẩm như dự thảo đề cập. Mục tiêu hướng tới 2020 phải đảm bảo giải quyết cơ bản nhà ở cho nhân dân Thủ đô (không phải là cải thiện dần như dự thảo). Và chỉ tiêu phát triển nhà cũng không nhất thiết chạy theo số lượng mà cần phát triển và cân đối hài hòa.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong chiến lược phát triển nhà ở, nên tạo ra những cơ chế chính sách để quản lý và khuyến khích thuê nhà ở, bởi ngay những nước phát triển, như Đức, Singapore… và nhiều nước khác, thì tỷ lệ người dân thuê nhà để ở chiếm 40 – 50%; và xu thế này, mới phù hợp với tiến trình CNH – HĐH và hội nhập quốc tế.

Bài viết mới nhất