Nên bỏ khái niệm nhà tái định cư

Trước đó, Báo Hànộimới có tin phản ánh việc một số hạng mục tại Khu tái định cư Đồng Tầu hư hỏng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng, UBND quận Hoàng Mai kiểm tra, có biện pháp khắc phục bảo đảm cuộc sống người dân tại đây.

Tình trạng xuống cấp ở nhà N9, Khu tái định cư Đồng Tầu. Ảnh: Lê Minh

Thông tin từ Sở Xây dựng cho biết, Khu tái định cư Đồng Tầu hiện có 8/10 tòa nhà chung cư được bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2007 đến 2011. Kiểm tra phía bên ngoài, khu vực bãi để xe có tình trạng người dân trồng rau trên phần vườn hoa, thảm cỏ; công viên đối diện nhà N1 do UBND quận Hoàng Mai quản lý có hiện tượng bỏ hoang, không duy trì theo quy hoạch. Nhà chung cư N7, N9, vỉa hè, nền nhà lún sụt, hở hàm ếch làm gãy, vỡ các ống kỹ thuật, thoát nước. Nền xung quanh các khu nhà N2, N5, N6, N7, N9, N10 cũng bị lún, nứt. Thang máy nhà N1 bị hư hỏng.

Về biện pháp khắc phục, Sở Xây dựng đề xuất, phần công viên, UBND quận Hoàng Mai đôn đốc các đơn vị liên quan duy trì theo quy định, bảo đảm mỹ quan. Phần hư hỏng của công trình, giao Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội và Ban quản lý dự án đầu tư - xây dựng các công trình từ nguồn vốn ngân sách kiểm tra, xác định hạng mục thuộc diện dân sinh bức xúc phải sửa chữa ngay; đồng thời chấn chỉnh bộ máy quản lý tại các tòa nhà. Về lâu dài, sẽ kiểm tra, giám định nguyên nhân lún sụt, lên phương án khắc phục triệt để. Phần bãi đỗ xe, Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ đã giao xí nghiệp quản lý thu dọn trồng lại cỏ, bàn giao lại cho cơ quan chức năng quản lý.

Trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội, chủ đầu tư dự án Khu tái định cư Đồng Tầu, cho biết nguyên nhân lún, sụt nền, sân xung quanh các tòa nhà có thể là nền đất yếu. Từ việc lún, sụt nền kéo vỡ các ống thoát nước gây mất mỹ quan, vệ sinh môi trường. Những hư hỏng này, theo ông Tuấn, không ảnh hưởng kết cấu nhà nhưng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, sẽ phải sửa chữa, khắc phục ngay. Còn hiện tượng lún nền, để khắc phục triệt để phải có tư vấn độc lập khảo sát, lên phương án cụ thể. Đề cập trách nhiệm chủ đầu tư, ông Tuấn nói, không phải nhà đã bàn giao, hết bảo hành là chủ đầu tư hết trách nhiệm. Ngược lại, trách nhiệm của chủ đầu tư gắn liền với cả quá trình sử dụng của dự án.

Thực ra, không riêng Khu tái định cư Đồng Tầu mà nhiều khu nhà tái định cư khác cũng thường bị người dân kêu ca, phàn nàn về tình trạng hư hỏng và chất lượng dịch vụ vận hành, quản lý. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, muốn khắc phục triệt để tình trạng hư hỏng, xuống cấp của nhà tái định cư thì phải bỏ khái niệm nhà tái định cư. Vì với cơ chế hiện nay, nhà tái định cư như loại nhà bao cấp, xây dựng bằng vốn nhà nước; xấu hay tốt, xa hay gần vẫn được "phân phối" để người dân vào ở. Chưa kể, suất đầu tư thường thấp hơn để bán với giá thấp hơn thị trường; rồi trong quá trình xây dựng còn có thể xảy ra gian dối, bớt xén.

Bản thân tên gọi nhà tái định cư cũng dễ dẫn đến sự phân biệt trong chất lượng dịch vụ. Người dân sinh sống tại các khu tái định cư phản ánh, chất lượng dịch vụ quản lý tại chung cư thường thua xa các dự án nhà ở thương mại. Khu tái định cư Đồng Tầu chính là ví dụ điển hình, hư hỏng, xuống cấp không được sửa chữa kịp thời đã gây nên bức xúc trong dư luận. Theo ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà - Sở Xây dựng Hà Nội, nhà tái định cư tồn tại nhiều bất cập, chẳng hạn do giá bán thấp nên quỹ bảo trì thu theo tỷ lệ giá bán cũng rất thấp, nhiều khi không đủ để bảo dưỡng, sửa chữa công trình. Thực tế, có tình trạng dự án thiếu quỹ nhà tái định cư ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng nhưng có dự án có quỹ nhà lại không sử dụng, lãng phí ngân sách do phải quản lý nhà bỏ trống…

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Phạm Sỹ Liêm đề xuất, nên phát triển mạnh loại hình nhà ở thương mại "bình dân" ở khắp nơi và bồi thường bằng tiền để người dân tự mua nhà thay vì ấn định dự án như hiện nay. Tiền chi trả được đưa vào kho bạc, quy đổi ra "tín phiếu" giao cho người dân. Khi đã chọn được dự án, kho bạc quy đổi tín phiếu và chi trả trực tiếp cho chủ đầu tư. Nếu chọn dự án trung tâm, cao cấp hơn thì người dân trả thêm tiền, nếu chọn dự án xa trung tâm, giá rẻ hơn thì người dân có thể được trả lại phần chênh lệch. Sở dĩ sử dụng "tín phiếu" để tránh trường hợp được bồi thường khoản tiền lớn, lại chi tiêu việc khác mà không mua nhà. Ông Vũ Ngọc Đạm cho biết, Hà Nội cũng muốn hướng đến đa dạng chính sách, hình thức tái định cư, trong đó có việc người dân nhận tiền rồi tự mua nhà.

Y Linh (Hà Nội mới)

Bài viết mới nhất