Hàng vạn công trình sai phép sẽ được "phạt để tồn tại"


Chủ trương trên nằm trong Thông tư số 02/2014/TT-BXD có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/4/2014, thay thế Thông tư số 24/2009/TT-BXD ngày 22/7/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng…

Cụ thể, việc áp dụng các trường hợp xây dựng sai phép, không phép…mà đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế phá dỡ theo quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP nhưng chưa thực hiện sẽ được xem xét lại. Nếu xét thấy việc xây dựng không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp và trong quy hoạch đất này được phép xây dựng thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xem xét và hủy quyết định cưỡng chế phá dỡ.

Cũng theo thông tư 02 của Bộ Xây dựng, với những sai phạm trên sẽ xử lý theo hình thức áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả thu hồi số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt, sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình.

Đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép xây dựng, cơ quan cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng sau khi chủ đầu tư chấp hành đầy đủ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả.

Những công trình vi phạm sẽ vẫn được tồn tại nếu đủ điều kiện, không gây ảnh hưởng và nộp phạt hành chính theo quy định.

Liên quan tới việc đảm bảo trật tự xây dựng ở Hà Nội, ngày 21/3, tại buổi kiểm tra thực tế trật tự an toàn đô thị trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh vấn đề trật tự an toàn đô thị đang đặt ra rất cấp thiết và là lĩnh vực quan tâm hàng đầu của Hà Nội hiện nay.

Ông Phạm Quang Nghị cũng chỉ rõ công tác quy hoạch đã được thành phố làm tốt, nhưng khi triển khai thực tế lại thiếu quyết liệt, quan liêu, dẫn tới xây dựng tràn lan, phá vỡ quy hoạch.  “Tới đây thành phố cần quyết liệt hơn trong việc áp dụng hình thức phạt tiền đối với các hành vi xây dựng vi phạm luật và kiên quyết buộc tháo dỡ công trình vi phạm.” – ông Phạm Quang Nghị khẳng định.

Theo ông Nghị, nếu không làm quyết liệt, vẫn để công trình tồn tại thì sẽ tạo tiền lệ không tốt, thậm chí tiếp tay cho sai phạm, bởi sau khi bị phạt thì lợi ích của người vi phạm vẫn lớn hơn số tiền phải nộp phạt.

Theo Giáo dục VN

Bài viết mới nhất