Giao dịch căn hộ cao cấp tại Hà Nội: Tăng mạnh cả lượng và chất

Theo CBRE, thị trường nhà ở Hà Nội trong quý II tiếp tục có dấu hiệu hồi phục tích cực, mặc dù xuất hiện những dự đoán khác nhau về ảnh hưởng của các bộ luật sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2015. Có nhiều yếu tố vĩ mô của nền kinh tế tác động đến điều này, như tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm khả quan, lạm phát thấp.

Theo ông Rechard Leech, Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam: “Kể từ 1/7/2015, hai điều luật được mong đợi trong một thời gian dài, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản sẽ chính thức có hiệu lực. Ảnh hưởng của chúng sẽ đưa bất động sản Việt Nam lên một bước trong việc tiếp cận với nguồn đầu tư nước ngoài”.

Nhà ở Hà Nội quý II/2015 tiếp tục hồi phục

Những dấu hiệu tích cực trên khiến cho chủ đầu tư và người mua nhà khá lạc quan về thị trường từ giờ đến cuối năm. Thị trường nhà ở trong quý II có nhiều chỉ số tích cực liên quan đến nguồn cung mở bán và giao dịch. Cụ thể trong quý II/2015, có hơn 5.000 căn hộ được mở bán, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (tăng 93%). Có khoảng 4.500 căn được ghi nhận bán, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý là lần đầu tiên căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ khoảng 30% tổng số căn mở bán mới, cao hơn trong tất cả các quý từ năm 2012 tới nay. Số căn hộ cao cấp tăng gấp 3 lần so với quý trước, với 1.518 căn. Tính cả 6 tháng đầu năm, lượng giao dịch căn hộ cao cấp chiếm khoảng 22% tổng số giao dịch, tăng so với tỷ lệ 6% trong năm 2013 và 18% trong năm 2014.

Đối với căn hộ bình dân, vốn là phân khúc từng thống lĩnh thị trường, tỷ lệ giao dịch đã giảm còn 26% trong 6 tháng, từ mức 49% năm 2013 và 33% năm 2014.

Liên quan đến diễn biến giá, bà Nguyễn Hoài An, Phó giám đốc CBRE Việt Nam cho biết: “Tại một số dự án, giá đã tăng khoảng 4-6% so với năm trước, đặc biệt, tại các dự án có vị trí tốt với khoảng cách vừa phải đến trung tâm thành phố, hoặc gần các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng đang được triển khai. Hiện tượng giá tăng chủ yếu xảy ra tại phân khúc cao cấp và bình dân. Đối với phân khúc cao cấp, giá tăng tại các dự án quy mô lớn của chủ đầu tư có tên tuổi, cung cấp đầy đủ các tiện ích và hạng mục phụ trợ trong khu đô thị. Còn tại phân khúc bình dân, các dự án có mức giá tốt, ở vị trí thuận tiện cũng có thể tăng giá”.

Trên thị trường thứ cấp, giá bình quân thị trường cũng nhích lên theo cả quý và năm, lần lượt tương ứng là tăng 0,3% theo quý và 2,4% theo năm. Trong các phân khúc, phân khúc cao cấp và trung cấp có mức giá tăng tương ứng là 5,6% và 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải vấn đề căn hộ cao cấp được chào bán tăng mạnh, bà Nguyễn Hoài An cho rằng, căn hộ cao cấp được chào bán tăng mạnh do tỷ lệ sinh lời trên giá trị tài sản của căn hộ cao cấp đã tăng cao hơn những loại tài sản khác. Bên cạnh đó, khi thị trường đang có dấu hiệu ấm lên, các chủ đầu tư quay lại khởi động các dự án cao cấp, hay triển khai dự án mới để đáp ứng nhu cầu.

Cũng theo bà Nguyễn Hoài An, một trong những điểm đáng chú ý là tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng có tác động tích cực đến diễn biến giá các dự án lân cận. Trong thời gian tới, cơ sở hạ tầng được dự kiến sẽ tiếp tục là đích ngắm để các chủ đầu tư, nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Hơn nữa, do đang trên đà phục hồi vững chắc, thị trường cũng được dự báo sẽ ghi nhận thêm các dự án hạng sang và cao cấp. Bên cạnh đó, xét trong dài hạn, với các quy định mới và luật lệ mới, thị trường dự báo sẽ trở nên minh bạch hơn đối với các đối tượng tham gia.
Theo Thời báo Ngân hàng

Bài viết mới nhất