Doanh nghiệp lo lắng lãi suất ngân hàng có thể tăng dịp cuối năm
- 05/09/2016
- Tin tức thời sự
Gần đây, một loạt ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, với mức tăng từ 0,1 - 0,4%, chủ yếu là kỳ hạn trên 1 năm. (Ảnh minh họa: KT)
Hiện nay, 70% nguồn vốn của doanh nghiệp Việt Nam là vốn vay, do đó phần lớn doanh nghiệp sẽ chịu tác động trực tiếp nếu lãi suất cho vay có biến động. Ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn phát triển và thương mại Phúc Lâm, chia sẻ: “Lãi suất nếu điều chỉnh liên tục dứt khoát sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp đầu tư dài hạn thì việc ổn định về mặt lãi suất sẽ giúp cho tính hiệu quả của doanh nghiệp rõ ràng hơn. Nếu tăng lãi suất thì hiệu quả kỳ vọng của doanh nghiệp sẽ giảm khá nhiều. Bởi kinh tế đã bắt đầu phục hồi, các doanh nghiệp bắt đầu bước vào nhịp để thúc đẩy tăng trưởng, nếu gặp phải lãi suất cao thì sẽ tạo ra rào cản cho những bước xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp”.
So với mặt bằng lãi suất chung của các nước trong khu vực, lãi suất của Việt Nam vẫn ở mức tương đối cao, do đó doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng giảm lãi suất. Nếu dư địa giảm lãi suất không nhiều, cần giữ ổn định mặt bằng trong một thời gian dài. Hiện nay, doanh nghiệp có thể được vay vốn ngân hàng với lãi suất 8%/năm, nhưng với các khoản vay trung, dài hạn trong 5 năm, nhiều doanh nghiệp e ngại, sau một vài năm, nếu lãi suất điều chỉnh lên 12-15%/năm, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn.
Trước thực trạng lãi suất đầy bất ổn, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, bên cạnh những tác động từ kinh tế vĩ mô, vấn đề nội tại của các ngân hàng là nợ xấu vẫn đang “âm ỉ” và có xu hướng gia tăng. Khi nợ xấu tăng cao sẽ buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động và cho vay để bù lại những chi phí liên quan đến nợ xấu, đến việc trích lập dự phòng rủi ro… Vì thế, lãi suất chỉ có thể ổn định hoặc tăng nhẹ, khó có thể giảm như khuyến nghị của Ngân hàng Nhà nước trước đây.
Ông Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam nhận định: “Nhu cầu về vốn cuối năm thường ở mức độ cao hơn, quan hệ cung - cầu vào cuối năm về mặt vốn tín dụng cũng sẽ ở mức độ đẩy lên. Trong bối cảnh nợ xấu xử lý còn nhiều khó khăn và cũng tương đối chậm nên chi phí trích ngừa phòng rủi ro của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng lên trong thời gian vừa qua, khiến cho khả năng giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn. Tôi cho rằng, từ nay đến cuối năm mặt bằng lãi suất về cơ bản là ổn định, còn khả năng giảm tiếp chắc sẽ rất khó khăn”.
Chuyên gia Tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu dự báo, nhu cầu nguồn vốn tín dụng cuối năm sẽ tăng, nên khả năng lãi suất sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới. Nếu lãi suất huy động tăng thì việc giảm lãi suất cho vay sẽ rất khó, ngoại trừ một vài ngân hàng có thanh khoản tốt mới có thể làm được điều đó.
Theo phân tích của ông Hiếu, trong việc huy động vốn để đáp ứng nguồn tiền, các ngân hàng lớn có thể không phải tăng lãi suất do họ huy động bằng chính uy tín vững chắc trên thị trường. Riêng những ngân hàng thuộc hạng trung và nhỏ vẫn cần tăng huy động dựa trên sự hấp dẫn của lãi suất, nên lãi suất huy động tăng trong những tháng cuối năm là điều khó tránh khỏi.
Ông Hiếu nhận thấy nhu cầu huy động vốn tăng cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu huy động từ nay đến cuối năm, mà bắt đầu từ đầu năm tới thì tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn sẽ kéo kéo xuống từ 60% xuống còn 50%. Có nghĩa là các ngân hàng phải tự đi tìm vốn trung và dài hạn nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu trung và dài hạn. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ các ngân hàng sẽ tính đến giải pháp là tăng lãi suất để có nhiều nguồn vốn trung và dài hạn nhiều hơn.
Việc lãi suất huy động có xu hướng tăng lên ở tất cả các tổ chức tín dụng khiến việc duy trì ổn định mức lãi suất vay là rất khó chứ chưa nói tới việc giảm lãi suất. Điều này sẽ phần nào tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để đối phó với thực trạng này, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể trong sản xuất, chi tiêu để giảm những tác động tiêu cực về khả năng lãi suất cho vay có thể tăng từ nay đến cuối năm./.
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...