Địa ốc 2016: Đề phòng dân đầu cơ lợi dụng chính sách


Cụ thể, Báo cáo mới đây của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, quy mô giao dịch nhà ở đạt trên 26.000 giao dịch, tăng 1,5 lần so với năm 2014. Trong đó, phân khúc nhà ở thương mại có quy mô vừa và nhỏ (căn hộ 1 - 2 phòng ngủ) có giá bán vừa túi tiền (trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ) vẫn là phân khúc phát triển bền vững - trụ cột đáp ứng nhu cầu thật, vẫn trong tình trạng cung không đủ cầu.

Giá bất động sản tăng trung bình từ 5 - 6% so với năm 2014, cá biệt có dự án, có vị trí căn hộ giá tăng 10% - 15%. Trong đó, căn hộ bình dân có mức tăng giá thấp nhất (chỉ khoảng 2%), căn hộ trung bình có mức tăng giá khoảng 5%, căn hộ trung bình khá có mức tăng giá khoảng 5 - 8%, căn hộ cao cấp có mức tăng giá cao nhất khoảng từ 5 - 15%.

Dự báo tình hình thị trường bất động sản TP.HCM trong năm tới sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh.

Một điểm tích cực khác là TP.HCM đã thu hút được nguồn vốn FDI khoảng 1,3 tỷ USD vào lĩnh vực BĐS. Trong đó, điển hình là các thương vụ: Nam Long đã hợp tác với quỹ đầu tư IFC thuộc World Bank, Công ty Hankyu Realty và Công ty Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản); An Gia Investment hợp tác với quỹ đầu tư CREED (Nhật Bản) với tổng mức 200 triệu USD; Phúc Khang hợp tác với quỹ đầu tư Providence và công ty Adam Khoo (Singapore)…

HoREA cũng cho hay, số lượng nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp tăng mạnh, gấp 3 lần năm 2014, giá bán cũng tăng khá mạnh tại một số dự án cao cấp, cần được theo dõi kỹ để có giải pháp điều tiết thích hợp.

Ngoài ra, theo HoREA, có nhân tố có thể gây bất ổn thị trường BĐS trong thời gian tới lại bắt nguồn từ chính sách hiện hành. Ví dụ: Khoản 1 điều 59 Luật kinh doanh BĐS 2014 đã cho phép: "Bên mua, bên thuê mua có quyền chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai khi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua chưa được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền..."; Điều 10 Nghị định 76/2015/NĐ-CP ngày 10/09/2015 của Chính Phủ cũng đã quy định cụ thể điều kiện chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Trước đây, có tình trạng thực tế là nhiều người mua nhà đã nhận nhà nhiều năm mà chưa được cấp chủ quyền, mà theo quy định cũ thì lại không được chuyển nhượng, do vậy, quy định này trước mắt nhằm giải quyết bảo vệ quyền lợi của các đối tượng này.

“Điều này có tác động tốt và tích cực trong ngắn hạn, giúp cho thị trường bất động sản phục hồi, vượt qua giai đoạn đóng băng. Nhưng về dài hạn, quy định này có thể bị những người đầu cơ lợi dụng để bao chiếm nhiều nhà ở nhằm thủ lợi cao nhất, và có thể sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản” - HoREA phân tích.

Cụ thể về vấn đề này, HoREA đưa ví dụ: Nhà đầu tư mua 100 căn hộ, mỗi căn giá 02 tỷ đồng, tổng trị giá 200 tỷ đồng. Theo thông lệ thị trường hiện nay, nhà đầu tư chỉ phải đặt cọc 10% tương đương 20 tỷ đồng, nhưng lại có quyền chuyển nhượng cả 100 căn hộ trị giá đến 200 tỷ đồng.

Theo dự báo của HoREA chưa có nguy cơ bong bóng bất động sản trong năm 2016, nhưng cần tiếp tục quan sát, theo dõi kỹ các nhân tố bất ổn đang tích tụ tăng dần theo thời gian, để có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Theo VNN

Bài viết mới nhất