Cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam: Mở nhưng không bung

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm


Dự thảo Luật nhà ở quy định khá mở để thu hút người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam. Theo bà, việc khuyến khích như vậy có thực sự cần thiết?

Thực chất là mình muốn người nước ngoài có nhà ở tại Việt Nam để họ tập trung đầu tư làm ăn, góp phần phát triển kinh tế của mình. Cho nên, việc thỏa mãn, đáp ứng yêu cầu nhà ở của người nước ngoài là đáng khuyến khích. Nhưng tỷ giá đồng tiền, điều kiện, mức sống của người Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới có độ chênh lệch nhất định.

Với nhiều người Việt Nam thu nhập thấp, việc mua một nhà khoảng 500 - 700 triệu đồng, là rất khó khăn. Còn với người nước ngoài, lương bình quân vài ba nghìn USD/một tháng, việc mua một ngôi nhà ở Việt Nam hay một chung cư cao cấp không phải vấn đề khó.

Nếu chúng ta mở bung có thể sẽ tạo ra kẽ hở pháp luật để đầu cơ, trục lợi chứ không phải vì nhu cầu thực tế. Giải quyết vấn đề này như thế nào, chúng ta phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng.

Thời gian qua, chúng ta đã thí điểm cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam. Thế nhưng người mua lại rất thờ ơ ?

Chúng ta mở nhưng vẫn có giới hạn, có thể nó không đảm bảo đủ yêu cầu với người cần mua. Vấn đề đất đai giữa luật pháp của Việt Nam với luật pháp các nước vẫn còn xa lắm. Ví dụ, chúng ta nói đất đai thuộc sở hữu của toàn dân, Nhà nước chỉ đại diện quản lý. Còn ở các nước, đất đai thuộc sở hữu tư nhân nên với người nước ngoài việc họ mua một mảnh đất hay một ngôi nhà là chuyện bình thường miễn đáp ứng được các quy định của pháp luật.

Theo tôi nên tiến hành từng bước và phải cân đối hài hòa để người nước ngoài hiểu được luật pháp Việt Nam và chấp nhận được. Đây cũng là quá trình chúng ta phải tuyên truyền.

Có ý kiến cho rằng, việc mở rộng cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam sẽ góp phần phá băng bất động sản?

Nếu bây giờ chúng ta mở bung ra, sẽ bán được hết, sẽ giải quyết được các “cục máu đông”, sẽ phá được “băng” thị trường bất động sản, nhưng hậu quả lâu dài của nó là cái gì và sẽ như thế nào?

Cần phải nghĩ đến nhiều yếu tố khác nữa để đảm bảo ổn định trật tự xã hội, quyền của người mua nhà cũng như bảo đảm luật pháp của Việt Nam; phải nhìn dài hạn chứ không phải chỉ trước mắt. Không nên nghĩ là do thị trường bất động sản đóng băng phải mở rộng cánh cửa ra cho người nước ngoài được sở hữu nhà ở Việt Nam.

Xin cám ơn bà!

Cần tạo điều kiện để người nước ngoài có được chỗ ở ổn định nhưng với những điều kiện phải hết sức chặt chẽ, ví dụ người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở dự án nào, ở đâu hoặc sở hữu trong bao nhiêu năm phải quy định rõ.

Theo Tiền phong

Bài viết mới nhất