Cấm xây nhà ở thương mại vì...không có ai mua!


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết tại buổi họp Ban chỉ đạo trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản liên quan đến nội dung kiến nghị của Bộ Xây dựng trình lên Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu địa phương không cấp phép xây dựng các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014.

Tồn kho, sorry...

Cụ thể, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, hiện nay, số dự án cấp phép quá lớn so với nhu cầu thực của thị trường bất động sản và khả năng thanh toán của thị trường. Theo thống kê, tại 2 thành phố Hà Nội và TP HCM các dự án chưa thực hiện rất nhiều, vì lý do đó cần tập trung xử lý tồn kho của các dự án này, chuyển sang cơ cấu lại dự án và rà soát lại.

“Đề nghị Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát cái nào dừng, cái nào được tiếp tục vì vừa rồi cho phép nhiều nhưng không triển khai nên có làm mới bây giờ cũng không có thị trường, cung ra thị trường cũng không có ai mua”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, trong kiến nghị của Bộ Xây dựng trình lên Thủ tướng Chính phủ là cấm cấp phép các dự án nhà ở thương mại và khu đô thị mới trong năm 2014, trường hợp đặc biệt các địa phương phải thống nhất với Bộ Xây dựng và báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.


Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: "Luôn cần 2 bàn tay vô hình và hữu hình để can thiệp, đặc biệt các sản phẩm bất động sản gắn đất vì đất không sinh ra mà ngày càng mất dần đi". (Ảnh: Tâm An)

“Đây không phải biện pháp phi thị trường vì chúng ta quản lý thị trường bất động sản hiện nay cần có sự quy hoạch, kế hoạch và sự can thiệp của nhà nước là biện pháp cần thiết. Thay vì thị trường hóa tất cả, do thị trường, do doanh nghiệp khiến nhu cầu ảo, dẫn đến thị trường bất động sản diễn ra như thời gian vừa qua chúng ta nói do nhà nước không can thiệp nhưng khi nhà nước can thiệp chúng ta lại bảo là phi thị trường, là rất vô lý”, Bộ trưởng Dũng nói.

Bộ trưởng Dũng cũng cho biết rằng, luôn cần 2 bàn tay vô hình là thị trường tự điều tiết và bàn tay hữu hình để can thiệp, đặc biệt các sản phẩm bất động sản vì đất không sinh ra mà ngày càng mất dần đi.

“Đây là biện pháp cần thiết và rất nhiều quốc gia trên thế giới họ cũng làm, thậm chí họ còn can thiệp mạnh hơn chúng ta, chặt chẽ hơn chúng ta nên đây không phải là biện pháp phi thị trường mà dựa vào tình hình thực tế”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.

Chỉ đạo tại buổi họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: “Những dự án nhà ở thương mại mới phải rất đặc biệt mới cho phép triển khai đành rằng những dự án đấy đã được chuẩn bị rất kỹ”

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhắc lại, ngày xưa các chủ đầu tư cũng trình bày thế nọ thế kia để được cấp phép triển khai dự án mới nhưng lại khiến thị trường trở nên bế tắc hơn, và rồi lại “xin lỗi”. Phó thủ tướng so sánh “Vietnam Airline còn sorry, Điện lực EVN còn sorry đấy thôi”.

Theo Phó Thủ tướng biện pháp trước mắt là ưu tiên giải quyết hàng tồn kho, các địa phương rất cân nhắc với những dự án trước khi trình lên Thủ tướng và giao cho Bộ Xây dựng rà soát cẩn thận.

Bộ Xây dựng bảo vệ doanh nghiệp đầu tư sai?

Trong khi đó, có mặt tại buổi họp, đại diện đến từ Hà Nội, TP HCM, Tổng Hội Xây dựng… lại bày tỏ quan điểm không đồng tình với kiến nghị do Bộ Xây dựng đưa ra liên quan đến việc không cấp phép xây dựng nhà ở thương mại năm 2014.


Bộ Xây dựng kiến nghị không cấp phép dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới năm 2014

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, không nên cứng nhắc trong việc ngừng hay cấp phép các dự án nhà ở thương mại mới, và phải có tiêu chí cụ thể. Ông lấy dẫn chứng về việc các dự án gần trung tâm, với giá bán hợp lý vẫn là lựa chọn của nhiều người có mức thu nhập trung bình, thấp ở đô thị, nếu hạn chế nguồn này, người dân sẽ rất khó khăn để mua nhà, nhu cầu thực tăng cao khi nguồn cung hạn chế sẽ khiến giá bất động sản có nguy cơ lại tăng trở lại.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, các doanh nghiệp đã chuẩn bị từ rất lâu cho các dự án của mình, nếu đột ngột dừng cấp phép trong năm 2014 sẽ đẩy các doanh nghiệp và tình thế khó khăn.

Cũng liên quan đến kiến nghị yêu cầu địa phương không cấp phép xây dựng các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014, ông Nguyễn Văn Đực Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành nêu quan điểm rằng, Ngăn sản phẩm khác để bảo vệ hàng tồn kho, Bộ Xây dựng đang bảo vệ những doanh nghiệp đã đầu tư sai.

Ông Đực cũng cho biết, chính Bộ Xây dựng đã tự mâu thuẫn với Bộ Xây dựng khi trước đây, Bộ Xây dựng đã từng nói hàng tồn kho giảm 35%, thị trường bất động sản đã ấm lên vậy nếu hàng tồn kho đã giảm.

“Thị trường đã ấm tại sao lại cấm doanh nghiệp sản xuất. Nếu doanh nghiệp không sản xuất nữa, 2 năm sau lại xảy ra nóng sốt thì sao? Như vậy, lệnh cấm không phù hợp hoặc thống kê giảm hàng tồn kho 35% và thị trường ấm lại là sai vì nếu tốt rồi cấm làm gì?”, ông Đực đặt nghi vấn.

Theo ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, lệnh cấm vô hình chung tạo lợi thế cho các dự án nhà ở thương mại khác đang vận hành, giải quyết hàng tồn kho trước mắt nhưng tương lai thị trường sẽ thiếu nguồn cung trong khi nhu cầu của người thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị về các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ vẫn tăng lên.

“Bản thân các dự án nhà ở thương mại này không phải là dự án có sự hỗ trợ của nhà nước, nó đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và việc đầu tư phát triển dự án này tùy thuộc vào quan hệ cung cầu mà đây là nhu cầu thực của thị trường”, ông Hoàng Châu nói.

Theo Đất việt

Bài viết mới nhất