“Bát nháo” thị trường bất động sản

“Nóng – lạnh” từng phân khúc
Cuối tuần qua, CTCP Đầu tư Xây dựng số 9 Hà Nội (Hanco9) đã mở bán đợt cuối các căn hộ tại Tháp trung tâm N03, thuộc Dự án Berriver Long Biên. Đây là một trong những dự án bất động sản “ăn theo” đà khởi sắc của thị trường để bung hàng.
Thống kê của CBRE cho thấy, trong quý I/2014, tại Hà Nội có trên 1.500 căn hộ được chào bán mới, với 10 dự án được mở bán trong quý này, trong đó, các dự án có thanh khoản cao nhất vẫn tập trung ở phân khúc bình dân, có giá trên dưới 20 triệu đồng/m2. Bước sang quý II, cũng có nhiều dự án ồ ạt bung hàng.
Còn theo Savills, trong quý I/2014, phân khúc biệt thự, liền kề Hà Nội bao gồm 128 dự án, cung cấp 42.700 căn. Khoảng 30.600 căn từ 103 dự án được chào bán dưới dạng hợp đồng mua bán, nguồn cung còn lại đến từ các dự án dạng hợp đồng góp vốn. Tại phân khúc này, thị trường không ghi nhận thêm nguồn cung mới dưới dạng hợp đồng góp vốn.
 
Thị trường vừa chớm hồi phục, lời hứa làm ăn nghiêm túc, chuyên nghiệp của một số chủ đầu tư, sàn giao dịch đã “bay mất”. Ảnh: Hoài Nam
Thị trường vừa chớm hồi phục, lời hứa làm ăn nghiêm túc, chuyên nghiệp của một số chủ đầu tư, sàn giao dịch đã “bay mất”. Ảnh: Hoài Nam
Bà Ngô Hương Giang, Quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của Savills đánh giá, hoạt động thị trường vẫn trầm lắng trong quý này. So với quý trước, giá chào bình quân của toàn thị trường giảm 3% cho hạng mục biệt thự và 2% đối với hạng mục nhà liền kề.
Trong khi đó, đánh giá tổng thể, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, thị trường bất động sản tuy đã có xu hướng ấm dần lên, nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
“Lượng hàng tồn kho vẫn còn khá lớn, nhiều dự án xa trung tâm, thiếu hạ tầng đồng bộ vẫn không bán được hàng, giá cả bất động sản, nhất là nhà ở vẫn ở mức cao so với thu nhập của người dân”, ông Dũng nói và cho rằng, các doanh nghiệp đầu tư vẫn rất khó khăn về vốn, vì lãi suất vẫn còn khá cao và khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng khi chưa trả được nợ cũ. Tại nhiều dự án đang xây dựng dở dang, do người mua nhàkhông nộp tiền tiếp, nên cũng rất khó khăn về vốn để tiếp tục triển khai. 
Găm hàng làm giá
Trong bối cảnh thị trường vừa mới xuất hiện tín hiệu phục hồi yếu ở một vài phân khúc, nhiều chủ đầu tư và các sàn giao dịch đã có những động thái găm hàng làm giá.
Lấy cớ Thông tư 03 của Bộ Xây dựng quy định bắt buộc tính diện tích căn hộ theo thông thủy, khiến diện tích căn hộ giảm đi, các chủ đầu tư đồng loạt tăng giá bán căn hộ. Tuy nhiên, trong khi theo tính toán của các chuyên gia, cách tính diện tích căn hộ theo thông thủy chỉ làm giảm diện tích căn hộ bình quân khoảng 6 - 7%, thì ở nhiều dự án, tỷ lệ tăng giá lại được các chủ đầu tư đẩy lên từ 10 - 12%.
Bên cạnh đó, do nguồn cung căn hộ còn ít, đặc biệt là ở khu vực trong vành đai 2,5 của Hà Nội, nhiều chủ đầu tư đã “bắt tay” với các sàn giao dịch bất động sản găm hàng để nâng giá căn hộ, ăn tiền chênh.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh các sàn giao dịch bất động sản G5 đánh giá, trong bối cảnh thị trường thiếu nguồn cung, thì hiện tượng làm ăn kiểu “chộp giật” là điều khó tránh khỏi.
“Cạnh tranh trên thị trường thời điểm này rất gay gắt, nhưng G5 vẫn duy trì phương thức bán hàng một cách công khai, minh bạch để giữ uy tín với khách hàng”, ông Khánh nói.
Còn theo nhận định của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, thị trường bất động sản nhà ở trong năm 2014 sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh về cơ cấu sản phẩm, nguồn cung sẽ tập trung vào phân khúc bình dân, diện tích vừa và nhỏ, giá bán dưới 20 triệu đồng/m2. Các dự án căn hộ trung và cao cấp đã xong phần thô đang hoàn thiện, có vị trí thuận lợi cũng sẽ có giao dịch tốt hơn.
“Các nhà đầu tư không có năng lực tài chính và kinh nghiệm, đầu tư các dự án không phù hợp với nhu cầu của thị trường, hoặc có lượng vốn vay lớn sẽ tiếp tục gặp khó khăn, thậm trí sẽ phải rời bỏ thị trường, nhường thị trường cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp”, ông Dũng cảnh báo và khẳng định, người mua nhà sẽ được hưởng lợi từ những chuyển biến này, vì những dự án do các nhà đầu tư chuyên nghiệp thực hiện sẽ có giá cả hợp lý, chất lượng xây dựng, chất lượng quản lý sẽ tốt hơn.
Theo ĐTCK

Bài viết mới nhất