Bất động sản đứng trước vận mệnh mới?

Trong 7 tháng của năm 2014, lượng giao dịch thành công trên thị trường tăng mạnh, đặc biệt là Hà Nội tăng gấp 2 lần, tại Tp.HCM tăng 30% so với cùng kỳ năm 2013.

Thông tin trên vừa được Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản –Bộ Xây dựng-ông Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ tại Hội thảo “Bất động sản Việt Nam: 20 năm nhìn lại và hướng phát triển” do Auscham tổ chức sáng 9/9 tại Hà Nội.

Thị trường bất động sản đã trải qua nhiều thăng trầm

Thị trường bất động sản Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực trong 20 năm qua, rất nhiều dự án ở hầu hết các lĩnh vực nhà ở, văn phòng, thương mại, KCN được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển mạnh (thậm chí quá nóng ở giai đoạn 2005-2010) thì thị trường cũng đã có giai đoạn cực kỳ khó khăn (đặc biệt là năm 2011-2012).

Đã có giai đoạn, giá cả bất động sản giảm, giao dịch giảm sút ở tất cả các phân khúc. Thậm chí có thời điểm giá nhà đã giảm tới 30%. Tồn kho bất động sản tại thời điểm năm 2012 lên tới trên 100 nghìn tỷ, hiện nay đã giảm xuống còn khoảng trên 80 nghìn tỷ. Khó khăn này đã ảnh hưởng không chỉ đến các DN bất động sản mà còn tác động tới rất nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế như vật liệu, xây dựng, lao động, ngân hàng…

Theo Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hà, có 4 nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng này. Đó là:

-Thị trường những năm qua đã phát triển thiếu quy hoạch, kế hoạch. 

-Cơ cấu hàng hóa bất động sản phát triển mất cân đối. 

-Hệ thống tài chính chưa hoàn thiện. 

-Năng lực các DN kinh doanh bất động sản còn yếu, năng lực kém.

Giao dịch bất động sản đang tăng mạnh

Trước tình hình đó, cơ quan quản lý nhà nước thời gian qua đã nỗ lực ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Kết quả là thị trường đã và đang có những chuyển biến tích cực.

Thứ nhất, giá bất động sản đã ổn định trở lại. Nhiều dự án phía Tây Hà Nội vào giai đoạn năm 2011-2013 giá giảm sâu, có dự án giảm tới 30% thì nay đã ổn định trở lại, thậm chí có dự án tăng từ 1-2% so với năm 2013. Tại Tp.HCM giá cả được điều chỉnh hợp lý hơn so với năm ngoái.

Thứ hai, lượng giao dịch thành công tăng. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, trong 7 tháng đầu năm 2014 tại Hà Nội đã có 5.100 giao dịch thành công tăng gấp đối so với cùng kỳ năm trước. Tại Tp.HCM đã có khoảng 4.500  giao dịch thành công tăng trưởng 30% so với cùng kỳ. Giao dịch diễn ra chủ yếu ở căn hộ trung bình, có diện tích nhỏ, giá hợp lý, đất ở có giá dưới 2 tỷ đồng,…

Thứ ba, tồn kho giảm mạnh. Tính đến 20/7/2014 tồn kho bất động sản cả nước là 82.718 tỷ đồng giảm 35,6% so với quý 1/2013 và giảm 12,4% so với cuối 2013.

Ngoài ra, dư nợ bất động sản tăng cao hơn mức trung bình của ngành. FDI vào bất động sản trong 7 tháng 2014 đứng thứ hai, có 20 dự án đăng ký mới, tổng vốn đăng ký đạt trên 1,13 tỷ USD.

Việc giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cũng đang tiến triển tốt. Tính đến 15/7/2014, tổng số tiền mà 5 ngân hàng cam kết cho vay đạt 5.590 tỷ đồng bằng 18,6% tổng nguồn vốn. Đã giải ngân được 2.634 tỷ đồng.

Cuộc chơi mới còn ở phía trước

Theo Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hà, năm 2014 thị trường tiếp tục sẽ có xu hướng tích cực. Cơ cấu sản phẩm tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với thị trường. Về dài hạn, đến 2020 Việt Nam phấn đấu cơ bản thành nước công nghiệp nên nhu cầu về bất động sản là rất lớn.

Những con số dự báo trong Chiến lược phát triển nhà ở đến 2020 cũng chỉ ra là với tốc độ đô thị hóa ở mức 31% như hiện nay sẽ tăng lên khoảng 45% vào 2025. Như vậy, nhu cầu về nhà ở để đáp ứng cho khoảng 30 triệu dân hiện tại sẽ tăng lên khoảng 46 triệu dân đến 2025. Có thể thấy, trong 10 năm tới thị trường bất động sản vẫn có rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Cũng tại hội nghị, nhiều diễn giả đến từ các tổ chức có uy tín như KPMG, CBRE, Indochina Capital, ZicoLaw, đại diện chủ đầu tư,…đã chia sẻ về triển vọng thị trường 2 năm tới.

Ông Adam Fowler, phụ trách về mảng đầu tư và cho thuê dự án Ecopark nhận định, thị trường sẽ có nhiều cơ hội về nhà ở, nhiều mảng phân khúc vẫn sẽ có nhu cầu lớn. Sự phát triển về cơ sở hạ tầng sẽ có tác động đến thị trường. Ông Adam cho rằng dù cơ sở hạ tầng ở Việt Nam nhiều năm qua rất ì ạch, tuy nhiên, gần đây đã thấy được một số dự án đi vào hoạt động và cũng đã có tiến triển tốt. Vì thế, đây là thời điểm tốt cho bất động sản! Riêng với Ecopark trong 2 năm tới sẽ tăng tốc đầu tư.

Còn theo ông Jesse Boon, Tổng Giám đốc Indochina Capital thì lại có cách nhìn khác trong 2 năm tới. Ông cho rằng dù chất lượng sản phẩm có cải thiện nhưng phải biết đối tượng khách hàng là ai, họ yêu cầu chất lượng như thế nào, các dự án nhà ở, văn phòng, thương mại…xây dựng lên phải đáp ứng đúng nhu cầu.

Marc Townsend, CEO của CBRE Việt Nam cũng nhìn thấy những dấu hiệu tích cực cho bất động sản trong 2 năm tới. Ông cho rằng dù kinh tế Việt Nam đang biến động, hạ tầng đầu tư chậm, quy định chưa có nhiều tiến triển nhưng đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quay lại, sự minh bạch cũng đã cải thiện hơn…Do đó, trong tương lai thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiến triển tốt.

                                                                                                                                 Đại Hào

                                                                                                                               Theo Infonet

Bài viết mới nhất