Hồ sơ thủ tục làm sổ đỏ
- 02/10/2017
- Pháp luật nhà đất
trivd@...
Trả lời
Theo thông tin anh/chị cung cấp thì thửa đất do ông cha để lại nhưng không nói rõ là để thừa kế theo di chúc, hay không có di chúc, và thửa đất đó đã có giấy tờ về quyền sử dụng đất (“Giấy chứng nhận QSDĐ”) theo quy định của pháp luật hay chưa. Do đó, chúng tôi chỉ có thể tư vấn chung những thủ tục cần thực hiện trong từng trường hợp, cụ thể:
- Trường hợp thửa đất đã có Giấy chứng nhận QSDĐ thì người thừa kế của người sử dụng đất thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại (văn) phòng công chứng. Hồ sơ hồ sơ yêu cầu công chứng gồm những giấy tờ sau:
(i) Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế;
(ii) Giấy chứng tử của người đã chết để lại di sản;
(iii) Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
(iv) Giấy tờ tùy thân của những người thừa kế theo pháp luật.
(v) Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Sau khi hoàn tất thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại (văn) phòng công chứng, người thừa kế phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai tại văn phòng đăng ký đất đai (chi nhánh tại các quận, huyện) để cập nhật thông tin thừa kế quyền sử dụng đất.
Hồ sơ đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gồm:
(i) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở;
(ii) Các giấy tờ về thừa kế như: Văn bản khai nhận di sản thừa kế (có công chứng);
(iii) Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà của người để lại di sản;
(iv) Bản sao Giấy khai sinh của người thừa kế của người chết làm cơ sở miễn nộp nghĩa vụ tài chính (thuế thu nhập cá nhân);
(v) Giấy chứng tử;
(vi) Tờ khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và Tờ khai nộp lệ phí trước bạ nhà đất (trường hợp nhận thừa kế, tặng cho từ cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau thì được miễn thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ).
- Trường hợp thửa đất chưa có Giấy chứng nhận QSDĐ và gia đình anh/chị đã sử dụng đất ổn định có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận QSDĐ theo Điều 101 Luật Đất đai 2013 mà chưa đăng ký thì thực hiện thủ tục đăng ký đất đai lần đầu.
Hồ sơ đăng ký lần đầu bao gồm:
(i) Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK ban hành kèm Thông tư 24/2014/TT-BTNMT;
(ii) Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;
(iii) Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
(iv) Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng);
(v) Báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất đối với trường hợp tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất từ trước ngày 01/7/2004 theo Mẫu số 08/ĐK;
(vi) Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);
(vii) Đối với đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh thì ngoài giấy tờ quy định tại các Điểm (i), (ii), (iv) nêu trên phải có quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an về vị trí đóng quân hoặc địa điểm công trình; bản sao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh trên địa bàn các quân khu, trên địa bàn các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà có tên đơn vị đề nghị cấp Giấy chứng nhận;
(viii) Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.
Theo CafeLand
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...