Kinh nghiệm thuê nhà trọ không bị lừa
- 19/07/2017
- Kinh nghiệm mua bán BĐS
Chiêu lừa đảo mới khi thuê nhà trọ - phòng trọ
Khoảng thời gian gần đây, trên mạng xã hội sinh viên chia sẻ nhiều trường hợp bị phòng trọ lừa đảo tiền đặt cọc giữ chỗ khi đi thuê trọ, mặc dù có giấy đặt cọc trước hẳn hoi.
Như trường hợp của sinh viên N.T.M.T (sinh viên năm 3, trường Đại học Mở TP HCM) kể rằng:
“T thấy tờ rao vặt phòng trọ giá rẻ. Lúc đến xem phòng trọ có vài chỗ chưa ưng ý lắm nên T phân vân chưa đồng ý thuê. T mới nói chị trông phòng thuê trọ (chị H) để về nhà suy nghĩ rồi mai tới đặt cọc. Thì chị trông phòng trọ nói T là phải đặt cọc trước để giữ nhà, chứ phòng trọ chỗ chị giá rẻ mà cũng rất tốt, an ninh; nếu không đặt cọc là sẽ mất, mai đến không còn đâu. Vì phòng trọ giá tương đối rẻ so với mặt bằng chung, gần nơi học nên T bấm bụng đặt cọc trước 500 nghìn. Trong giấy cọc có ghi “nếu sinh viên không tới ở, sẽ mất tiền cọc”.
Sau 1 tuần, T trở lại để ký hợp đồng thuê trọ rồi chuyển vào ở, thì bên phía cho thuê phòng trọ lấy nhiều lý do, nhằm cố ý “đuổi” - không cho T chuyển vào trọ. T cho biết nếu tự ý không vào ở trọ thì mất tiền cọc. Mà nếu đòi tiền cọc lại, sẽ bị mắng chửi rất thô tục và có nhiều thanh niên to con đứng hù dọa.
Một trường hợp nữa tại nhà trọ nguyên căn tại địa chỉ 125 đường D1 (quận Bình Thạnh). Phòng 1,2 - 1,7 triệu/phòng, phòng rộng - đẹp, điện nước giá nhà nước (chia đều các phòng), đặt cọc 1 triệu. Chiêu lừa đảo của nhà trọ này là tới ngày kí hợp đồng thuê trọ thì đẩy giá điện+nước lên 1 triệu/tháng/người, đưa luôn vào đầu tháng cùng với tiền thuê trọ.
Sinh viên N.V.H cũng chia sẻ: “H bị lừa tới 2 lần cùng một bọn lừa đảo. Địa chỉ là 143 Đinh Tiên Hoàng, 66 Đinh Tiên Hoàng và 59 Hoa Sứ là cùng một bọn lừa đảo. Thủ đoạn rất tinh vi và quy mô rất lớn. Toàn là dân giang hồ, nói lời ngon ngọt rồi dụ bán kí hợp đồng, đặt tiền cọc. Sau đó gây trò cho H và bạn H không ở nổi nữa mà mất cọc.”
Nghìn lý do "cố ý" đuổi sinh viên thuê nhà trọ
Từ nhiều nguồn khác nhau, MuaBanNhaDat.vn tổng hợp các lý do “trên trời” mà bên phía cho thuê nhà trọ - phòng trọ:
- Đặt cọc 3 tháng thuê nhà trọ - phòng trọ mới cho chuyển vào ở.
- Đưa ra các mức phí trên “trên trời”: tổng tiền điện - nước 1 triệu/ người, Giữ xe 300 nghìn/ chiếc, tiền rác 200 nghìn/tháng… Bắt buộc sinh viên đóng các phí đầu tháng. Nếu không đồng ý, mất tiền cọc.
- Đưa ra đủ loại phí đóng hàng tháng “không biết từ đâu đến”: tiền an ninh, tiền hao mòn tài sản nhà, tiền người canh mở cửa sáng tối, tiền camera ...
- Viện cớ kéo dài thời gian chuyển trọ: nhà bị hư đang sửa…
- Hù dọa bằng nhiều cách: Cảnh báo đền bù tài sản bị hư hỏng với giá rất cao. Đồ đạc trong phòng hư tự sửa (nhà vệ sinh, điện, ống nước....)
Mục đích cuối cùng là chủ nhà trọ - phòng trọ cố ý đuổi sinh viên để mất luôn tiền đặt cọc giữ chỗ. Mặc dù 500 nghìn không phải là số tiền lớn, nhưng với nhiều sinh viên đó là sinh hoạt cả nửa tháng.
Nhận biết băng lừa đảo giả danh thuê nhà trọ
Lừa gạt xuất hiện tràn lan, trong từng ngõ ngách của thành phố. Tung ra các chiêu trò để đánh vào những điểm yếu nhất của sinh viên. Để phòng tránh các chiêu lừa, người đi thuê phòng trọ - nhà trọ cần tự trang bị cho bản thân những hiểu biết nhất định và đề phòng các biểu hiện dưới đây:
- Nhà trọ - phòng trọ cho thuê có giá rẻ hơn so với mặt bằng chung. Nhiều rao vặt ở quận Bình Thạnh, Gò Vấp giá nhà chỉ từ 900.000 - 1.300.000 đồng/tháng.
- Thông tin trên tờ rơi nêu ra nhiều điểm thuận tiện, hợp tiêu chí chọn nhà như gần trung tâm, vệ sinh riêng, nước chủ nhà bao, điện trả theo giá nhà nước, cáp, wifi miễn phí, có chỗ để xe…
- Nhà trọ cho thuê thường đa số là những ngôi nhà nguyên căn.
- Giấy đặt cọc ghi không rõ ràng, chỉ ghi tiền đặt cọc, ngày đặt cọc, và không đến ở, mất tiền cọc.
- Không có đồng hồ điện nước riêng. Điện nước chia đều.
Kinh nghiệm tránh lừa đảo khi thuê nhà trọ
Khi đi thuê nhà trọ - phòng trọ, ngoài tìm hiểu trên mạng, sinh viên cần đến tận nơi để kiểm tra nhà trọ - phòng trọ. Khi sinh viên “giao tiền” của mình cho phía cho thuê nhà trọ - phòng trọ, cần chú ý những điều sau:
- Kiểm tra nhà trọ - phòng trọ: nhà vệ sinh, cửa sổ, cửa ra vào, điện, nước, bãi giữ xe ở đâu,… kiểm tra xem mọi thứ có ổn và an toàn không?
- Trao đổi thông tin với bên cho thuê nhà trọ - phòng trọ:
- Chủ nhà trọ - phòng trọ là ai
- Giờ giấc ra vào
- Các trang thiết bị trong nhà hư thì bên thuê hay bên bán chịu trách nhiệm bỏ phí để sửa chữa?
- Hỏi về những phí cơ bản (tiền thuê nhà mỗi tháng, tiền điện, tiền nước, tiền internet, tiền rác, tiền giữ xe, tiền đặt cọc),
- Ngoài những phí cơ bản còn có bất kỳ khoản phí nào khác nữa hay không?
- Có đồng hồ điện nước riêng hay không?
- Giấy đặt cọc giữ phòng phải ghi đầy đủ, chi tiết, rõ ràng các thông tin mức phí, giá cả để tới ngày ký hợp đồng làm bằng chứng. Trên giấy đặt cọc giữ chỗ phải có đầy đủ chữ ký của cả hai bên. Tiền đặt cọc chỉ đưa 50% giá bên nhà trọ đưa ra.
- Cuối cùng là ngày ký hợp đồng thuê trọ. Sinh viên phải đọc kĩ hợp đồng để xem hợp đồng có rõ ràng ngày tháng và các điều khoản hay không, đầy đủ thông tin chưa, có quy định bồi thường gì trong hợp đồng hay không? Tránh “tiền mất tật mang”.
Ngoài ra, các bạn sinh viên nên tìm sự hỗ trợ từ các trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên; phòng hỗ trợ sinh viên trong trường đại học. Các trung tâm hỗ trợ sinh viên sẽ cung cấp cho bạn những địa chỉ nhà trọ - phòng trọ uy tín. Đồng thời các nhóm công tác xã hội, phòng hỗ trợ sinh viên trong trường đại học cũng có các hoạt động giúp sinh viên tìm các nhà trọ gần trường đáng tin cậy.
Bài viết mới nhất
-
TOP 5 PHẦN MỀM BẤT ĐỘNG SẢN TỐT NHẤT VIỆT NAM 2022
Việc sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hiệu suất công việc của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây, ...
-
TP.HCM: Giải quyết "Điểm nghẽn" thủ tục nhà đất sai hiện trạng
TP.HCM ban hành công văn về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng không nằm trong trìn...