Người dân được lợi gì từ chính quyền đô thị ?

13 quận nội thành

Theo đề án, 13 quận nội thành (1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình và Tân Phú) chỉ có 1 cấp chính quyền, gọi là chính quyền TP.HCM trực thuộc T.Ư với vai trò là đô thị trung tâm, người đứng đầu vẫn là chủ tịch UBND TP; tại mỗi quận, phường sẽ tổ chức bộ máy cơ bản như hiện nay nhưng dưới hình thức là ủy ban hành chính (có thể sẽ được gọi là quận trưởng, phường trưởng).

Dân được lợi gì từ chính quyền đô thị ?

4 thành phố vệ tinh

Cấp dưới của chính quyền TP.HCM sẽ có 4 thành phố được thành lập mới, gồm: TP.Đông, TP.Nam, TP.Tây và TP.Bắc. Người đứng đầu UBND 4 TP này đề nghị gọi là chủ tịch hoặc thị trưởng và có ngạch bậc tương đương với Phó chủ tịch UBND TP.HCM.

Cụ thể, quận 2, 9 và Thủ Đức thuộc TP.Đông với trung tâm là khu đô thị mới Thủ Thiêm, phát triển dịch vụ cao cấp về tài chính, công nghiệp công nghệ cao...

Toàn bộ Q.7, H.Nhà Bè, một phần diện tích P.7 (phía nam rạch Bà Tàng, Q.8) và 2 xã Bình Hưng, Phong Phú (H.Bình Chánh) thuộc TP.Nam với trung tâm là khu đô thị nam TP, khu vực thị trấn Nhà Bè và khu đô thị cảng Hiệp Phước; cơ sở phát triển là công nghiệp, dịch vụ cảng…

Toàn bộ Q.Bình Tân, một phần diện tích P.7, P.16 (phần phía tây sông Cần Giuộc và đường An Dương Vương, Q.8), diện tích 4 xã An Phú Tây, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) thuộc TP.Tây, là đầu mối giao lưu kinh tế với ĐBSCL, với trung tâm là khu đô thị thuộc xã Tân Kiên giáp QL1, tập trung phát triển các ngành dịch vụ, khu công nghiệp, dân cư…

TP.Bắc gồm Q.12 và H.Hóc Môn, là nơi phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, nông nghiệp kỹ thuật cao…

3 lợi ích chính của người dân

Theo phân tích của TS Võ Trí Hảo, Khoa Luật (Đại học Kinh tế TP.HCM), về tổng quan, mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) mà TP.HCM đang hướng tới, về bộ máy tổ chức sẽ mang lại những ích lợi sau:

Thứ nhất, giảm bớt cấp hành chính kéo theo sẽ giảm bớt các bước trong thủ tục hành chính. Lúc đó công dân vùng đang đô thị hóa và vùng nông thôn (vùng 2 và 3) sẽ hoặc nộp và nhận lại hồ sơ từ chính quyền cấp xã, TP vệ tinh (nếu vấn đề thuộc quyền của pháp nhân công quyền cơ sở), hoặc nộp và nhận lại hồ sơ tại chính quyền TP (nếu vấn đề thuộc pháp nhân công quyền TP); công dân 13 quận nội thành (vùng 1 - vùng đô thị) thì còn “sung sướng” hơn nữa, chỉ nộp mọi loại hồ sơ tại một cơ quan duy nhất là chính quyền TP, đồng thời là chính quyền cơ sở. Lúc này, việc luân chuyển hồ sơ giữa các bộ phận của pháp nhân công quyền là việc nội bộ của pháp nhân, công dân không cần quan tâm.

Thứ hai, việc đề án công nhận toàn TP là một cộng đồng thống nhất, có thể đi tới việc người dân có thể làm thủ tục hành chính bất kỳ nơi nào mà mình thấy tiện lợi, không nhất thiết phải tại nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú như hiện nay.

Thứ ba, tất cả các vụ án hành chính trong hoạt động công vụ ở TP, sẽ chỉ có 2 loại bị kiện duy nhất: chính quyền TP và chính quyền cơ sở. Việc công dân, doanh nghiệp đòi bồi thường nhà nước cũng sẽ dễ hơn rất nhiều so với hiện nay. Công dân dễ dàng đòi bồi thường nhà nước, thì nhà nước phải thận trọng hơn trong hành xử quyền lực.

VinaRev tổng hợp

Bài viết mới nhất