Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM: Có thể làm nhà 100 triệu nhưng rất ít

Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM: Có thể làm nhà 100 triệu nhưng rất ít

TP.HCM có thể làm nhà 100 triệu nhưng số lượng rất ít

Sau chuyến tham quan chương trình nhà ở thu nhập thấp tại tỉnh Bình Dương của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhiều câu hỏi được đặt ra liệu TP.HCM có thể làm được nhà ở 100 triệu đồng như ở Bình Dương hay không?

Trả lời câu hỏi này, trong cuộc họp báo định kỳ của Sở Xây dựng TP.HCM chiều 23-2, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn cho biết, thành phố có thể làm được nhà 100 triệu nhưng rất ít.

Theo ông Tuấn, để làm được loại hình này thì phải thỏa mãn 3 điều kiện: Thứ nhất là không có chi phí về đất bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất; Thứ 2 là không tính chi phí đầu tư hạ tầng hay nói cách khác là vị trí đầu tư dự án đã có sẵn hạ tầng hoặc hạ tầng mới được xây dựng nhưng không tính vào chi phí dự án; Thứ 3 là diện tích nhà 25m2 suất đầu tư khoảng 4 triệu/m2.

Ông Tuấn cho biết, trước khi Bí thư thành ủy đi tham quan, ông đã cùng đoàn cán bộ xuống Bình Dương để tìm hiểu, nghiên cứu cách làm nhà ở giá thấp của tỉnh này. Trên cơ sở đó, Sở đã cho rà roát lại thì vị trí để thỏa mãn 3 điều kiện trên ở TP.HCM không nhiều.

“Điều quan trọng là chúng ta có khuyến khích nhà ở 100 triệu hay không. Theo quan điểm của tôi thì chỉ làm nhà ở 100 triệu ở những vị trí gắn với khu công nghiệp, khu chế xuất nới tập trung đông công nhân”, ông Tuấn nói.

Giám đốc Sở xây dựng cho rằng, vấn đề quan trọng không phải là nhà 100 triệu mà là làm thế nào để có thể phát triển nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, phù hợp với mức sống của người dân ở từng địa phương, chứ không thể nói Bình Dương làm nhà 100 triệu thì thành phố cũng làm nhà 100 triệu.

“Bản thân nhà ở thu nhấp thấp, nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại cũng là thị trường, trong phân khúc nhà ở thu nhập thấp cũng có nhiều nhu cầu khác nhau. Bởi vì trong đối tượng người thu nhập thấp thì cũng có nhiều đối tượng là điều kiện về kinh tế mức sống, khả năng mua nhà ở cung khác nhau. Cho nên trong phân khúc này cũng phải đa dạng và theo tôi trong điều kiện hiện nay thì khoảng 1 tỷ trở lại. Nhưng không hẳn tất cả các loại nhà đều là 1 tỷ, có thể là 900 triệu, 800 triệu, 700 triệu, 500 triệu và 300 triệu”, ông Tuấn phân tích.

Ông Tuấn cho biết, theo tỉnh Bình Dương họ vẫn có thể làm hàng loạt nhà 100 triệu nữa tại vị trí dự án đang triển khai tuy nhiên nếu tiếp tục sẽ có thể không có người mua do đó họ ngưng không làm nữa. Điều đó cho thấy, nhu cầu nhà ở diện tích nhỏ như vậy không còn nhiều. Có những người họ thu nhập tốt, nhiều thành viên hơn họ mong muốn có căn nhà rộng rãi, khang trang chứ không nhất thiết là 25m2. Loại nhà này chỉ phù hợp với gia đình trẻ, hai vợ chồng. Căn hộ không chỉ là nơi để ở mà còn là điều kiện, không gian quyết định chất lượng của cuộc sống.

“Thành phố không khuyến khích phát triển nhà ở 100 triệu nếu có chỉ là loại hình căn hộ gắn liền với nhà lưu trú công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp”, ông Tuấn nói.

Để phát nhà ở thu nhập thấp tại TP.HCM, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng cần phải có sự chung tay từ chính quyền và doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Sở sẽ tổ chức cuộc thi thiết kế nhà ở xã hội điển hình để tạo mô hình nhà ở phù hợp cho các nhà đầu tư thống nhất áp dụng. Đồng thời, sẽ tổ chức các hội thảo để các bên như đơn vị thiết kế, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu… cùng ngồi lại tìm cách kéo giảm giá nhà xuống mức có thể nhất.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, đến nay thành phố đã hoàn thiện được 14 dự án nhà ở xã hội với 5.100 căn. Theo kế hoạch đến năm 2020, thành phố sẽ triển khai 39 dự án với quy mô 45.000 căn. Hiện đã có 9 dự án khởi công, 14 dự án được chấp thuận đầu tư và 16 dự án công nhận chủ đầu tư. Trong 2017, thành phố dự kiến hoàn thành 1.650 căn và tiếp tục khởi công 23 dự án quy mô 19.000 căn.

Theo CafeLand 

Bài viết mới nhất