2011 - 2015: Thêm 3 triệu hộ đã có chỗ ở

Nhà ở xã hội CT19A khu đô thị Việt Hưng.

Theo đó, từ ngày 30/11/2011, lần đầu tiên Chiến lược phát triển Nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đưa ra một trong những quan điểm có tính đột phá là: “Phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân”. Trong đó xác định phải phát triển đồng thời hai loại nhà ở:

Thứ nhất là nhà ở thương mại là nhà ở thị trường hàng hóa, giành cho các nhóm đối tượng có đủ khả năng chi trả theo cơ chế thị trường.

Thứ hai là nhà ở xã hội là nhà ở thị trường phi hàng hóa có sự hỗ trợ của Nhà nước để giảm giá thành, để giúp cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, sinh viên ... vốn dĩ không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường có cơ hội được cải thiện chỗ ở.

Tiếp sau Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Nghị định 188 năm 2013 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và sau đó là Luật Nhà ở 2014 cũng như Nghị định 100 năm 2015 hướng dẫn Luật Nhà ở đã được ban hành. Các văn bản này đã quy định rõ các chính sách cụ thể để khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nhà ở xã hội như: miễn tiền sử dụng đất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế VAT đầu ra; hỗ trợ tín dụng ưu đãi...

Đồng thời quy định các dự án nhà ở thương mại có quy mô diện tích từ 10ha trở lên phải giành 20% quỹ đất đã đầu tư hạ tầng để xây dựng nhà ở xã hội, đây chính là giải pháp để giúp người nghèo có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ đô thị, tiện ích xã hội có chất lượng một cách bình đẳng như người giàu.

Dựa trên những quan điểm, tinh thần đó, Bộ Xây dựng cùng các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai hàng loạt chương trình phát triển nhà ở xã hội trọng điểm phù hợp với từng khu vực, từng nhóm đối tượng và cho những kết quả hết sức ấn tượng. Theo báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ X thì tính đến tháng 9-2015, nhà nước đã thực hiện hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới, cải tạo nhà ở cho khoảng 80% số đối tượng là người có công theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg.

Còn đối với các hộ nghèo khu vực nông thôn, Chương trình 167 giai đoạn 1 đã hỗ trợ 530.000 hộ và hiện đang triển khai giai đoạn 2 với khoảng 311.000 hộ. Đối với khu vực ngập lụt đồng bằng sông Cửu Long đã giải quyết chỗ ở an toàn, ổn định cho gần 200.000 hộ dân. Đặc biệt, đối với khu vực thường xuyên bị bão lũ ở miền Trung, ngành Xây dựng đã hoàn thành giai đoạn thí điểm với 700 căn và đang triển khai giai đoạn mở rộng với khoảng 28.000 căn nhà chống bão, lũ.

Đáng chú ý, thực hiện chủ trương phát triển nhà ở xã hội-một chủ trương được đánh giá là mang đầy tính nhân văn, thể hiện rõ quan điểm kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa của Đảng, Chính phủ, ngành Xây dựng đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 135 dự án nhà ở xã hội. Trong đó có 51 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 25.850 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 9.560 tỉ đồng; 84 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, quy mô xây dựng 28.550 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.730 tỉ đồng.

Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện nay, trên địa bàn cả nước đang tiếp tục triển khai 171 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 108 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 61.290 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 31.760 tỉ đồng; 63 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với quy mô xây dựng khoảng 69.300 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.800 tỉ đồng. Chương trình phát triển nhà ở sinh viên đã có 85 dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 330.000 sinh viên.

Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến hết năm 2015, nếu tính quy đổi thì thông qua các chương trình phát triển nhà ở xã hội trọng điểm, đến nay đã có khoảng 780 nghìn hộ gia đình, tương đương khoảng trên 3 triệu người nghèo, người thu nhập thấp được cải thiện chỗ ở.

Theo Petrotimes

Bài viết mới nhất